Theo đó, sau khi khảo sát, đo đạt thực tế luồng lạch và trực tiếp làm việc với ngư dân, các bên liên quan cùng đại diện các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định: Khu vực biển giao chủ đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận nằm hoàn toàn trong vùng biển của tỉnh Cà Mau, không chồng lấn ranh giới biển giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.
Căn cứ để Cà Mau xác định vấn đề nêu trên dựa theo Bản thỏa thuận ngày 8-8-2009 giữa UBND tỉnh Cà Mau và UBND tỉnh Bạc Liêu, đã xác định tọa độ cụ thể phân ranh giới biển giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu. Đây cũng là Bản thỏa thuận duy nhất về vấn đề ranh giới trên biển giữa tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu, đồng thời Bản thỏa thuận này đã được hai tỉnh thống nhất trình Trung ương phân định ranh giới hành chính trên biển.
Liên quan đến vấn đề luồng lạch, kết quả đo độ sâu các khu vực khảo sát cho thấy, luồng lạch cửa biển Gành Hào có phạm vi tính từ cửa sông hướng ra biển trong phạm vi khoảng 600 m. Ngoài phạm vi 600 m là khu vực biển có độ sâu gần giống nhau và không còn luồng lạch. Trong khi đó, vị trí ranh giới dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận cách cửa biển Gành Hào hơn 2.000 m. Tuy nhiên, đối chiếu hồ sơ dự án và ý kiến của đại diện Chi cục Đường thủy nội địa phía nam, xác định phạm vi an toàn của các trụ tua bin gió số 6, 7 và 8 (giai đoạn 2) chồng lấn lên hành lang an toàn luồng lạch do Bộ Giao thông vận tải quy hoạch.
Do đó, ông Lê Văn Sử đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn dự án làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải để có văn bản xác định chính xác vấn đề nêu trên. Trong thời gian chưa có văn bản xác định của cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu chủ đầu tư chưa triển khai thi công các trụ tua bin gió số 6, 7 và 8.
Còn khoảng cách giữa trụ tua bin số 4 và 5, cũng như giữa các trụ còn lại của dự án có khoảng cách 425 m, sau khi trừ phạm vi bảo đảm an toàn trụ tua bin, khoảng cách còn lại vẫn đáp ứng chiều rộng luồng và hành lang an toàn kỹ thuật đường thủy nội địa quốc gia (đối với sông cấp II) theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, từ phản ánh của ngư dân, chủ đầu tư đồng ý sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp điều chỉnh mở rộng khoảng cách giữa trụ tua bin số 4 và 5, đồng thời, bố trí các phao tiêu, đèn báo hiệu và hệ thống chống va đập tại các trụ tua bin, nhằm bảo đảm an toàn.
Trong thời gian chưa có ý kiến của cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề nghị, chủ đầu tư tạm dừng thi công đối với trụ số 4 và 5. Việc nghiên cứu, giãn khoảng cách giữa các trụ tua-bin gió số 4, số 5 và làm việc với cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải để rà soát, xử lý vấn đề chồng lấn luồng lạch hoặc hành lang an toàn luồng lạch của các trụ tua-bin số 6, 7 và 8, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương thực hiện, báo cáo kết quả sớm nhất về UBND tỉnh Cà Mau.
Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận do Công ty CP Đầu tư năng lượng tái tạo Cà Mau (CMC) làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 12-2019. Đến nay, trụ móng của một số trụ điện gió đầu tiên đã hình thành nhưng vấp phải phản ứng của ngư dân ven biển thị trấn Gành Hào và một số ngư dân xã Tân Thuận. Nhiều ngư dân cho rằng, một số trụ điện gió nằm ở lòng lạch ra vào của tàu cá xưa nay, nếu không điều chỉnh sẽ gây trở ngại việc ra vào cửa biển để đánh hải sản.
Cụ thể, từ trụ số 3 đến trụ điện gió số 5 nằm trong lòng lạch cửa biển Gành Hào. Từ trụ số 6 đến trụ số 18, nếu liên kết lại sẽ cắt ngang lòng lạch lưu thông truyền thống của ngư dân. Trong khi cửa biển Gành Hào là cửa biển lớn nhất tỉnh Bạc Liêu, có cảng cá lớn nhất tỉnh, cả doanh nghiệp và lượng tàu khai thác.
Tiếp nhận phản ảnh của ngư dân, đầu tháng 5 đến nay, UBND tỉnh Cà Mau cử nhiều tổ công tác xuống khảo sát, xác minh để giải quyết vụ việc nhưng vẫn chưa ngã ngủ. Gần đây nhất là vào ngày 16-5, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo một đồng chí phó chủ tịch phụ trách mảng trực tiếp xuống khảo sát thực địa, nhằm giải quyết dứt điểm những kiến nghị, thắc mắc của người dân, bảo đảm hài hòa quyền lợi các bên nhưng vẫn bảo đảm theo quy định của pháp luật.