Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học (ÐDSH) cao trên thế giới, với hơn 49.200 loài động vật, trong đó có 10.500 loài thú trên cạn. Tuy nhiên, thời gian qua vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã (ÐVHD) bất hợp pháp, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với ÐDSH, nhiều loài ÐVHD đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bên bờ của sự tuyệt chủng. Số liệu thống kê do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) ghi nhận năm 2019, có 1.777 vụ vi phạm về ÐVHD mới, trong đó có 146 vụ vận chuyển, 979 vụ mua bán, quảng cáo và 610 vụ nuôi nhốt trái phép ÐVHD… Ðáng lo ngại, hiện một số loài, sản phẩm của loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như tê tê, gấu, sừng tê giác, ngà voi... trở thành hàng hóa được tiêu thụ trong nước, cũng như được vận chuyển xuyên biên giới sang một số nước trong khu vực. Một số loài quý, hiếm ở Việt Nam như Tê giác Java và bò xám hiện đã tuyệt chủng trong tự nhiên. Các loài khác như hổ, voi và một số loài linh trưởng, rùa quý, hiếm, đặc hữu hiện cũng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Việc tiêu thụ trái phép ÐVHD không chỉ hủy diệt quần thể loài động vật trong tự nhiên, phá hủy hệ sinh thái, làm tổn hại đến ÐDSH, môi trường, mà còn làm Việt Nam mất đi một phần di sản văn hóa, các điểm du lịch sinh thái quan trọng và suy giảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Ðồng thời, dẫn đến các hệ lụy về mặt xã hội như gia tăng các vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới tập quán tiêu dùng thực phẩm, môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật, hình ảnh, uy tín của đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo các chuyên gia, nhà khoa học lĩnh vực ÐDSH thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do dân số tăng, kéo theo áp lực về khai thác, tiêu dùng ÐVHD để làm thực phẩm và làm thuốc. Ðáng chú ý, có một số loài ÐVHD do được quảng bá về một số tính năng đặc biệt như: bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa bệnh nan y (dù có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh) cho nên trở thành đối tượng bị săn lùng, khai thác tận diệt. Ðã có không ít người sẵn sàng chấp nhận bất cứ mức giá nào để có được các sản phẩm như sừng tê giác, cao hổ cốt…, nhằm thỏa mãn thị hiếu tiêu dùng của “độc”, hoặc để “chơi sang” mang tính chất khoe mẽ. Chính vì vậy, càng thúc đẩy việc săn bắt, tiêu thụ trái phép các ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các quốc gia khác trong khu vực và châu Phi.
Ngoài ra, do Việt Nam là quốc gia có ÐDSH trong khu vực và có chung đường biên giới với các nước có nhu cầu tiêu thụ loài hoang dã lớn cho nên Việt Nam đang là điểm nóng về trung chuyển, buôn lậu ÐVHD qua biên giới. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm pháp luật về buôn bán, tiêu thụ ÐVHD trái phép ở nước ta chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt hành chính, mức xử phạt còn nhẹ, cao nhất không quá 500 triệu đồng, trong khi lợi nhuận thu được từ hoạt động này lại cao hơn rất nhiều. Năng lực phát hiện vi phạm pháp luật về lĩnh vực này của cơ quan thực thi pháp luật còn hạn chế do lực lượng mỏng, trang thiết bị phương tiện thiếu; khả năng đấu tranh đối với loại hình vi phạm này của lực lượng chuyên trách chưa theo kịp các thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép các ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm…
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, quản lý săn bắt, buôn bán trái phép ÐVHD, thông qua việc tham gia, thực thi các Công ước quốc tế liên quan như: Công ước ÐDSH; Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITE); hoàn thiện thể chế, chính sách và thực thi các quy định pháp luật quốc gia liên quan đến bảo vệ các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm... Tuy nhiên, để kiểm soát, buôn bán, tiêu thụ ÐVHD một cách có hiệu quả, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Tư pháp và các cơ quan có liên quan giải quyết ba vấn đề chính của nạn buôn bán trái phép ÐVHD, gồm săn bắt, buôn bán và làm giảm nhu cầu tiêu thụ một cách toàn diện và đồng bộ. Tiếp tục kiện toàn khung pháp lý và chính sách về quản lý và bảo vệ các loài ÐVHD. Bổ sung những thiếu hụt, lỗ hổng, bất cập trong các chính sách hiện hành đặt ra những thách thức và khó khăn cho quá trình thực thi. Ðể bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật, khung hình phạt phải tương quan với lợi nhuận thu được từ buôn bán trái phép ÐVHD và các mức hình phạt tối đa nên được áp dụng đối với loại hình tội phạm ÐVHD nghiêm trọng…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và sự tham gia của cộng đồng về bảo vệ ÐVHD; xã hội hóa công tác bảo tồn ÐDSH và đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về ÐDSH. Khuyến khích để cộng đồng là “tai”, là “mắt” trong việc phát hiện các vụ việc vi phạm bảo vệ ÐVHD. Thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội dân sự trong việc thực hiện tuyên truyền và phổ biến các thông tin về bảo vệ ÐVHD. Ðối với các cơ sở gây nuôi thương mại loài hoang dã, chủ trang trại phải chịu trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp của loài gây nuôi trong cơ sở của mình, thay vì các cán bộ thực thi pháp luật như hiện nay. Ðồng thời, xây dựng cơ chế khen thưởng để khuyến khích người dân tố giác vi phạm và các cán bộ thực thi có nhiều thành tích trong bắt giữ các đối tượng buôn trái phép ÐVHD kịp thời…