Dân ca Quan họ trong hành trình mới

Khách quốc tế đến với dân ca quan họ Bắc Ninh.
Khách quốc tế đến với dân ca quan họ Bắc Ninh.

Vốn là "đặc sản" của xứ Kinh Bắc, nhưng có lẽ đã lâu lắm rồi, những làn điệu quan họ mượt mà, lưu luyến mới được khơi gợi, vang ngân trên khắp những ngôi làng duyên dáng nằm soi bóng bên dòng sông Cầu. Quan họ đã thật sự trở lại trong niềm tự hào xứ sở của mỗi người dân nơi đây.

Tâm điểm của Festival Bắc Ninh 2010 là lễ khai mạc có chủ đề "Văn hiến Bắc Ninh - Hội tụ và tỏa sáng" gắn với Khai mạc Ðại hội thể dục - thể thao tỉnh lần thứ VI diễn ra vào 20 giờ ngày 17-4 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, được tổ chức với quy mô lớn. 

Festival còn có các hoạt động như: Dâng hương tại đền Ðô, Hội thi hát Quan họ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, Lễ đón Bằng công nhận "Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Ngoài ra, còn có một số hoạt động văn hóa khác: trưng bày giới thiệu cổ vật, đá quý; triển lãm ảnh nghệ thuật; hội thi sinh vật cảnh; giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca các vùng, miền; hát quan họ trên thuyền; thi hát quan họ...

Một cuộc diễu hành nghệ thuật đường phố với chủ đề "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Bắc Ninh" với những phần giới thiệu Bắc Ninh, Lễ rước kiệu truyền thống... du khách thập phương và người dân Kinh Bắc được hòa mình vào không khí lễ hội sôi động, độc đáo và hấp dẫn trong các màn biểu diễn quan họ, hát quan họ do chính các nghệ nhân, nghệ sĩ và đông đảo tầng lớp nhân dân trên quê hương Quan họ thể hiện.

Có mặt tại Lễ khai mạc Festival Bắc Ninh và trao bằng của UNESCO công nhận di sản Quan họ cho tỉnh Bắc Ninh, bà K.Mun-lơ Mác-tin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc duy trì và phát huy Dân ca Quan họ đòi hỏi cả cộng đồng và mong mọi người luôn tham gia tích cực để gìn giữ và phát huy giá trị của di sản.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, đến từ huyện Tiên Du hồ hởi nói với chúng tôi: Có vùng đất nào mà làn điệu dân ca có hẳn một ngày hội tổ chức hằng năm, được đông đảo người dân trong nước và quốc tế biết đến như quê hương chúng tôi. Mà đâu cũng chỉ có ngày hội chúng tôi mới hát, người dân chúng tôi vẫn hát quan họ hằng ngày, hằng giờ. Và thật vui mừng khi những làn điệu dân ca của quê hương chúng tôi được thế giới công nhận. Ðón sự công nhận này, chắc chắn người dân, các nghệ nhân, nghệ sĩ hát quan họ sẽ càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ và truyền dạy vốn quý của quê hương cho các thế hệ trẻ.

Festival Bắc Ninh 2010 thật sự có ý nghĩa hơn khi nó thu hút đông đảo người xem, đặc biệt là trong cuộc thi hát quan họ và thi hát đối đáp, rất nhiều trong số đó là các bạn trẻ Bắc Ninh. Có thể, sau chương trình này, sẽ có nhiều bạn mong muốn trở thành các liền anh, liền chị quan họ nặng lòng với môn nghệ thuật đặc sắc của cha ông.

Hành trình vươn tầm thế giới của Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một câu chuyện dài có hậu và là kết quả của công sức, trí tuệ tập thể. Ðể gìn giữ, bảo tồn và phát huy vốn di sản đặc sắc Dân ca Quan họ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua chương trình hành động trong thời gian tới gồm 14 nội dung trọng tâm, trong đó tập trung vào các việc: Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê Dân ca Quan họ Bắc Ninh định kỳ theo từng năm; hoàn thiện danh sách nghệ nhân Quan họ ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; xây dựng chính sách đãi ngộ với nghệ nhân, nhất là nghệ nhân được phong tặng danh hiệu "Báu vật nhân văn sống"; hoàn thiện, phân loại hệ thống tư liệu và kết quả nghiên cứu về Quan họ Bắc Ninh để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng đối với các tư liệu về loại hình văn hóa đặc sắc này; hỗ trợ cộng đồng phục hồi tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội liên quan đến Dân ca Quan họ Bắc Ninh ở các làng quê; thành lập Hiệp hội nghệ nhân Quan họ Bắc Ninh trên cơ sở các câu lạc bộ hiện nay; tìm ra các giải pháp để Quan họ thích ứng với sự phát triển của các phương tiện âm thanh trong đời sống đương đại; xây dựng chuyên đề Dân ca Quan họ Bắc Ninh để đưa vào giảng dạy ở các nhà trường THCS và THPT; mở chuyên mục Dân ca Quan họ Bắc Ninh trên đài, báo tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng khác; phối hợp với ngành du lịch khai thác và phát huy giá trị di sản Quan họ một cách bền vững... Mục tiêu ưu tiên là đẩy mạnh hoạt động truyền dạy hát Quan họ tại gia đình và cộng đồng các làng Quan họ, để ông bà, cha mẹ dạy truyền khẩu cho thiếu nhi từ chín tuổi trở lên.

Một hành trình mới đang mở ra với những giá trị đặc sắc của Dân ca Quan họ. Gìn giữ những gì cha ông đã sáng tạo, lưu giữ và truyền lại thật sự là một gánh nặng không dễ dàng gì đối với những thế hệ đất Kinh Bắc hôm nay.