Vở kịch cổ điển “Nhà búp bê”:  Bi kịch của thân phận búp bê

NSND Lê Khanh (vai Nora) và NS Hoa Thuý (vai Kristine).
NSND Lê Khanh (vai Nora) và NS Hoa Thuý (vai Kristine).

* Khi người đàn bà dứt áo ra đi

Những tưởng Nora, người mẹ của ba đứa con với người chồng thành đạt đang hạnh phúc. Ngờ đâu, cô sống trong bi kịch của dối lừa rực rỡ. Khi chồng cô- Henmer- ốm nặng, Nora giấu chồng và giả mạo chữ ký bảo lãnh của cha, vay tiền của Krogstad để chạy chữa cho chồng. Cô tiểu thư luôn được bố cưng chiều như một con búp bê và chồng coi cô như một con sóc nhỏ đã cần mẫn chắt bóp, nhận cả việc thêu thùa để dành tiền trả nợ suốt hai năm trời. Cô định sẽ nói sự thật về việc vay nợ với chồng sau khi trả được nợ. Niềm tin, rằng người chồng sẽ bất ngờ và yêu mến vợ hơn càng khiến cô mong mỏi sớm được chứng kiến cái phút giây hạnh phúc ấy.

Henmer được bổ nhiệm làm giám đốc ngân hàng, Nora hy vọng, cuộc sống dư dật càng giúp cô mau chóng thanh toán hết nợ nần. Oái oăm là Krogstad, nay làm việc dưới quyền Henmer, vừa bị anh sa thải. Y căm tức và gửi thư cho Henmer nói rõ việc Nora giả mạo chữ ký và đe dọa, nếu anh đuổi y, y sẽ đưa mọi chuyện ra trước pháp luật…

Cái phút giây mà Nora chờ đợi đã không đến. Trong khoảnh khắc nghiêm trọng của cuộc đời, khi mọi chuyện vỡ lở, người chồng bộc lộ rõ tính tự cao, tự đại và lòng ích kỷ. Nora nhận ra, cô chỉ là một con búp bê trong chính ngôi nhà của mình. Lần đầu tiên,  cô nói chuyện thẳng thắn với chồng... Cô nhận phần lỗi về mình trước khi đóng sập cánh cửa, ra đi để khám phá và nhận thức cuộc sống.

 Đạo diễn Lê Hùng cho trang trí hình ảnh quả lắc đồng hồ chiếm phần lớn không gian sân khấu. Quả lắc đứng yên hay rung lên đồng nghĩa với những xung đột hay sự yên bình đang hoặc sắp diễn ra trong “nhà búp bê”. Và chỉ khi Nora bước chân ra đi, tiếng kêu “tích tắc” của chiếc đồng hồ mới vang lên đều đặn, giục giã... Cuộc sống đã trở về đúng với nhịp điệu của nó. Lúc bấy giờ, Nora mới thực sự bắt đầu sống…

Hai người đàn bà khác cùng chứng kiến những bi kịch của Nora trong ngôi nhà ấy là Kristine Linde- cô bạn cũ của Nora và Anne- người bảo mẫu. Kristine rời bỏ làng quê lên thành phố tìm kiếm việc làm sau khi chồng mất. Không những có việc làm, cô còn tìm lại được tình yêu. U già Anne biền biệt xa các con mười mấy năm trời, chỉ gặp được con gái trước lúc con lấy chồng. Bà tìm thấy sự ấm áp của tình mẫu tử trong việc chăm sóc các con của Nora… Những người đàn bà ấy, ban đầu rời bỏ ngôi nhà của mình để tìm kế mưu sinh, nhưng rồi tình yêu con người làm cho họ thực sự được tái sinh. “Nhà búp bê” nằm trong dòng kịch luận đề của nhà viết kịch Ipsen, xoay quanh thân phận của người phụ nữ.  

* Nora của Lê Khanh

Ở tuổi ngoài 40, với vẻ đẹp mặn mà và diễn xuất ngày càng “chín”, NSND Lê Khanh ăn nhập với vai Nora đến mê lòng. Chị xoá tan sự ngờ vực, rằng tại sao chỉ vì giả mạo chữ ký của bố mà Nora phải bỏ nhà ra đi? Rằng, Nora có quá đường đột khi Krogstad đã xin rút lại bức thư tố cáo và người chồng đã tỏ ra ăn năn?... Từng ánh nhìn, từng tiếng kêu thảng thốt… bật ra sau những bi kịch. Những khoảng cách về lịch sử và không gian địa lý được rút ngắn chính bằng diễn xuất tinh tế của nghệ sỹ. Nghệ sỹ Hồng Đào từng sắm vai này, được Tiến sỹ nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái khen ngợi “tinh tế, dung dị và đa nghĩa”.

Nước mắt Nora chảy dài suốt những màn kịch, kể từ khi Nora bị kẻ cho vay tiền đưa ra những yêu sách... Có lẽ Lê Khanh quá “say sưa” với tấn bi kịch khiến Nora của chị “ướt át” quá chăng? Chị tâm sự, dù đã tiết chế nhưng vẫn không cản được dòng cảm xúc tuôn trào. Bù lại, chị lấy lại “cân bằng” bằng lời thoại đầy quả quyết và dứt khoát trong cuộc trò chuyện lần cuối của Nora với chồng trước lúc ra đi.

Lê Khanh có nhiều duyên nợ với Nora. Khi còn là sinh viên, Nhà búp bê là một trong những lựa chọn của chị cho bài tập thực hành. Ý tưởng này bị “đóng cửa” vì giáo viên phụ trách cho rằng, sinh viên chưa thể đảm đương những vai diễn “tầm cỡ”. Cách đây 10 năm, chị từng làm mê đắm biết bao người bởi ẩn ức của Thuý trong “Bến bờ xa lắc” (KB: Lê Thu Hạnh, ĐD: Xuân Huyền)… 

“Nhà búp bê” đánh dấu sự trở lại của Lê Khanh sau gần chục năm  chị“vắng bóng” trên sân khấu kịch cổ điển. “Bến bờ xa lắc” đi vào lịch sử Nhà hát Tuổi trẻ với ba đợt diễn tại TP Hồ Chí Minh trong một năm và thực sự đã gây nên “cơn sốt” khán giả. Liệu tiếng sập cửa của nàng Nora- Lê Khanh lần này có làm “rúng động” người Sài Gòn, như từng làm rung chuyển cả châu Âu thế kỷ 19 hay “vang rền hơn cả tiếng đại bác ở cứ điểm Mêtgiơ trong trận Xêđăng, buộc Napoleon III phải đầu hàng'' mà nhà viết kịch Bernard Shaw ca ngợi?