Bắc Ninh hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn

Xí nghiệp gà giống Lạc Vệ (Công ty cổ phần nông sản Bắc Ninh) có quy mô 100.000 gà bố mẹ, hằng năm cung ứng cho sản xuất
Xí nghiệp gà giống Lạc Vệ (Công ty cổ phần nông sản Bắc Ninh) có quy mô 100.000 gà bố mẹ, hằng năm cung ứng cho sản xuất

Mở rộng mô hình chăn nuôi khép kín

Vài năm trở lại đây, ngành chăn nuôi - thủy sản  Bắc Ninh ngày càng phát triển, với tổng đàn gia súc, gia cầm không ngừng tăng; chăn nuôi quy mô công nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi chiếm tỷ trọng 39%. Bắc Ninh đặt mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính vào năm 2010.

Sử dụng thực phẩm an toàn là một nhu cầu tất yếu của xã hội. Thực phẩm an toàn hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó khâu chăn nuôi được coi là "phần gốc" của vấn đề. Theo tiêu chuẩn của ngành thú y, bước đầu tiên là con giống phải sạch bệnh, nguồn nước cần đạt tiêu chuẩn, quy trình chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh thú y và không ô nhiễm môi trường... Một mô hình chăn nuôi khép kín (con giống sạch bệnh, môi trường chăn nuôi nghiêm ngặt, thức ăn đã qua kiểm định chất lượng...) được coi là tối ưu, nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vệ sinh thú y trong quá trình chăn nuôi. Vì thế, mô hình này đang được các cấp chính quyền, ngành chức năng và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ưu tiên phát triển. Ði đầu mở rộng mô hình này là Công ty cổ phần Nông sản Bắc Ninh, một đơn vị có uy tín trong sản xuất các loại  giống lợn, gia cầm sạch bệnh và thức ăn chăn nuôi mang thương hiệu DABACO, TOPFEED, KINH BẮC... Công ty đã và đang đầu tư xây dựng hệ thống nuôi gia công rộng khắp tỉnh và lan sang các tỉnh lân cận.

Theo mô hình này, người chăn nuôi chỉ phải bỏ chi phí ban đầu xây dựng chuồng trại (theo mẫu thiết kế), còn  tất cả các khâu, từ con giống, thức ăn, kỹ thuật đến đầu ra của sản phẩm đều do công ty đầu tư và bao tiêu. Trong cả hệ thống nuôi gia công, quy trình chăn nuôi được áp dụng thống nhất và nghiêm ngặt. Do đó, quá trình chăn nuôi được kiểm soát chặt từ "đầu vào" đến "đầu ra", vừa bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, vừa nâng cao năng suất vật nuôi.

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Như So, hiện nay công ty có khoảng 30 trại nuôi gia công lợn và gia cầm rải khắp trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Ðến năm 2008, công ty sẽ đạt quy mô đàn lợn nuôi 30.000 con, năm triệu con gia cầm thương phẩm cung cấp cho nhà máy giết mổ gia cầm tập trung, công suất 2.000 con/giờ (đang được xây dựng ở khu công nghiệp Văn Trung, cụm công nghiệp Lạc Vệ). Theo hạch toán của công ty, việc kiểm soát tất cả các khâu trong quy trình chăn nuôi, chế biến thật sự không phải là chi phí lớn để đội giá thành sản phẩm thịt an toàn, mà ngược lại giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều về chi phí.

Ở Bắc Ninh, các cơ sở chăn nuôi khác cũng bắt đầu áp dụng mô hình này. Theo Phó Chi cục trưởng Thú y Nguyễn Ngọc Tần: Trong năm 2007, ngoài 16 cơ sở chăn nuôi lớn bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn cơ sở an toàn dịch bệnh, tỉnh vẫn tạo điều kiện giúp các cơ sở khác đăng ký tiêu chuẩn này, để tiến tới xây dựng một thương hiệu cho chính sản phẩm của mình.

Bảo đảm vệ sinh thực phẩm

Việc liên kết giữa các hộ nông dân trong chăn nuôi đang phát triển ở tỉnh Bắc Ninh, hình thành nên hợp tác xã, các câu lạc bộ để cùng thống nhất một quy trình sản xuất, giúp nhau về thông tin thị trường và tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm.

Hợp tác xã Cường Thịnh (thôn Thọ Vuông, xã Ðông Thọ, huyện Yên Phong) nhờ biết quảng bá thương hiệu "trứng an toàn" của mình trong các dịp hội chợ nông nghiệp mà trở nên nổi tiếng (mặc dù mới hoạt động hơn một năm nay).

Ông Ngô Văn Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã,  cho biết: "Hợp tác xã thay mặt 14 hộ chăn nuôi đứng ra giao dịch, từ lo khâu tiêm phòng, thống nhất quy trình chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y đến việc chọn loại cám nào, dùng thuốc thú y loại nào hay của hãng nào, mua thêm con giống ở đâu... đều được HTX đưa ra bàn bạc và thống nhất. Lợi ích rõ nhất là khách hàng thêm tin tưởng vào sản phẩm và chúng tôi cũng chủ động hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh".

Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Vũ Thái Ninh cho biết: Việc liên kết theo hình thức hợp tác xã này rất thuận lợi cho thực hiện chủ trương quy hoạch khu chăn nuôi tập trung ra khỏi khu dân cư và khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng lò giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện tốt những khâu cốt yếu trong chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, những mô hình hợp tác xã chăn nuôi này vẫn gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. Như HTX Cường Thịnh mới chỉ đang khai thác "thế mạnh" ngoài đồng, còn dự định làm lò giết mổ tập trung, hay thiết kế một nhà lạnh bảo quản trứng thương phẩm vẫn chỉ là mơ ước, bởi địa bàn quá rộng, lại phân tán ở hai bên sườn đê sông Ngũ Huyện. Hợp tác xã vẫn chờ đợi sự chỉ đạo của chính quyền cơ sở về việc "dồn điền đổi thửa" để có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Chủ nhiệm HTX Ngô Văn Chiến nói: Nếu có đất, có mặt bằng sản xuất (tập trung, lâu dài), thì hợp tác xã sẽ mở rộng sản xuất, kinh doanh theo quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm.

Rõ ràng, những cơ chế chính sách cởi mở hỗ trợ kinh phí cho việc dời chuyển khu chăn nuôi ra xa khu dân cư, hỗ trợ lãi suất vốn vay xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm và chăn nuôi tập trung... của tỉnh Bắc Ninh đã góp sức cho các doanh nghiệp và hộ nông dân "bứt phá" đầu tư vào chăn nuôi theo hướng an toàn thực phẩm. Hy vọng,  ngày càng nhiều cơ sở chăn  nuôi an toàn dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn tỉnh để dần từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm của đơn vị. Ðó cũng là lời giải căn bản cho bài toán sản xuất thực phẩm an toàn ngay từ khâu chăn nuôi gia súc, gia cầm ở trang trại của ngành chăn nuôi Bắc Ninh.

HẢI PHƯƠNG