Hai lần Bác Hồ thăm Đền Hùng

Hai lần Bác Hồ thăm Đền Hùng

Lần thứ nhất: Bác Hồ về Ðền Hùng trong hai ngày 18 và 19-9-1954. Bác chọn Ðền Hùng làm nơi gặp gỡ, nói chuyện và dặn dò cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn quân Tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô.

Trên đường từ Thái Nguyên về Ðền Hùng Bác đi xe zép mang biển số KT-032 (KT là ký hiệu của Ban kiểm tra 12), Bác vào thăm một đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam mới ở Lào về đóng quân ở xã Chân Mộng huyện Ðoan Hùng, sau đó Bác vào thăm Tỉnh ủy Phú Thọ đóng ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba. Trên đường Bác dừng xe nói chuyện với hai thương binh. Ðón Bác có ông Phạm Dụ, Chánh văn phòng Tỉnh ủy và ông Trần Lưu Vị, Bí thư Ban cán sự kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính thị xã Phú Thọ. Buổi tối, Bác đến Ðền Hùng và nghỉ lại đêm 18-9-1954 tại Ðền Giếng.

Sáng ngày 19-9, Bác đi thăm các đền. Ðền chùa Thiền Quang, trước cây vạn tuế, Bác nghe ông Song Hào, Chính ủy Ðại đoàn và đồng chí Thanh Quảng, Phó văn phòng Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình Ðại đoàn và kế hoạch tiếp quản Thủ đô. Nghe xong, Bác lên thăm Ðền Trung, Ðền Thượng. Tại Ðền Thượng, Bác chụp ảnh kỷ niệm với các cán bộ cùng đi. Sau đó, Bác xuống Ðền Giếng.

Khoảng 9 giờ ngày 19-9-1954, bộ đội đã đông đủ, gồm cán bộ Trung đoàn 102, Trung đoàn Thủ đô, Trung đoàn 36, Trung đoàn 88 (Tu Vũ), một số tiểu đoàn trực thuộc của Ðại đoàn đi từ năm hướng tới là từ núi Thằn Lằn (Vĩnh Phúc), Gia Thanh (huyện Phù Ninh), Trại Cờ (Hiệp Hòa, Bắc Giang), Ðại Từ (Thái Nguyên) và từ Phùng (Hà Nội). Ngoài ra còn có cán bộ văn công của Ðại đoàn và nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, phóng viên báo Quân đội nhân dân.

Bác ngồi trên cửa ngách bên phải Ðền Giếng, đồng chí Song Hào và đồng chí Thanh Quảng ngồi ở bậc lát gạch gần Bác. Dưới sân khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ. Tại đây Bác căn dặn bộ đội phải thường xuyên học tập, rèn luyện đạo đức, giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện tốt chính sách dân vận... Và Bác nói một câu bất hủ:

"Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"

Lần thứ hai: Ngày 19-8-1962. Bác Hồ về thăm Ðền Hùng lần thứ hai. Buổi sáng, Bác nói chuyện với đồng bào tại sân vận động thị xã Phú Thọ nhân Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Sau đó Bác đi thăm Hợp tác xã Nam Tiến, Nhà máy Su-pe phốt-phát Lâm Thao. Gần trưa Bác lên thăm Ðền Hùng. Cùng đi với Bác có ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng; Nguyễn Khai, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng và một số vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ.

Gần trưa lên đến Ðền Hạ, trời nắng nóng, thấy Bác tuổi già, áo lấm thấm mồ hôi, cán bộ văn phòng đem chiếu ra định rải chiếu mời Bác ngồi. Bác biết ý, hỏi:

- Các chú định làm gì?

Cán bộ văn phòng phải nói thật sợ Bác mệt, rải chiếu để Bác nghỉ và khuyên Bác xuống núi. Bác nói:

- Leo núi chưa đến đỉnh đã xuống, thế là các chú làm cách mạng nửa vời rồi.

Bác nói tiếp:

- Như vậy là leo núi phải lên đến đỉnh. Cũng như người làm cách mạng, không được bỏ nửa chừng. Ðã đi, phải tới đích.

Trên đường lên Ðền Thượng, gặp một tốp bộ đội đi xuống, Bác hỏi có mấy cấp, mấy bậc. Không ai trả lời được. Bác nhắc quân sự là phải quan sát địa hình.

Lên đến Ðền Thượng, núi cao, cây cối um tùm, gió đông nam mát mẻ. Bác hỏi:

- Thế các chú thấy ở đây có mát không?

Mọi người đều trả lời là mát. Rồi Bác nói tiếp:

- Nếu không leo lên đến đỉnh núi (Ðền Thượng) thì mục tiêu chuyến đi không đạt được và làm sao được hưởng không khí trong lành và mát mẻ như thế này.

Buổi trưa hôm ấy, Bác nghỉ trưa và ăn cơm ở cửa ngách phía đông nam Ðền Thượng. Bữa cơm thật thân mật, đầm ấm tình Bác cháu cha con. Bác có cơm nắm, trứng hấp, cà pháo và thịt kho. Bác mời cán bộ tỉnh cùng ăn. Ðồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ thưa với Bác:

- Bác về thăm Phú Thọ, chúng cháu lại được ăn ké cơm của Bác.