Trao giải thưởng sáng tạo CNTT vì người khuyết tật

Tác giả Trịnh Công Thanh trong lễ trao giải.
Tác giả Trịnh Công Thanh trong lễ trao giải.

Tổng cộng có hai giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba cùng nhiều giải khuyến khích và đồng hạng đã được trao cho ba nhóm sản phẩm trong cuộc thi CNTT đầu tiên cho người khuyết tật mang tên "ICT - Thắp sáng niềm tin". Lễ trao giải cuộc thi đã diễn ra tối 18-4, nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đến dự lễ trao giải.

Tháng 7-2003, website người khuyết tật ra mắt phiên bản đầu tiên bao gồm trang tin, diễn đàn thảo luận và sổ góp ý tại địa chỉ www.nguoikhuyettat.org. Đây là kết quả của hơn sáu tháng miệt mài tìm kiếm dữ liệu thông tin của Trịnh Công Thanh và đồng nghiệp. Cùng với việc thành lập cổng thông tin dành cho người khuyết tật và diễn đàn thảo luận cho người khuyết tật Việt Nam, ban quản trị website còn thành lập một cổng riêng hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam, như là một thành phần không thể thiếu của người khuyết tật Việt Nam, nhằm ủng hộ vụ kiện các công ty hoá chất Mỹ và hưởng ứng phong trào ký tên vì công lý.

Trịnh Công Thanh là người khuyết tật chân do bệnh ung thư xương gây ra, từng được vinh danh Hiệp sĩ CNTT năm 2004. "Tạo ra Cổng thông tin điện tử dành cho người khuyết tật, tôi mong muốn đây sẽ là mái nhà chung cho những người khuyết tật để họ chia sẻ thông tin và giúp đỡ nhau. Tham dự cuộc thi này, tôi mong muốn có nhiều người khuyết tật biết đến cổng thông tin, giúp họ hòa nhập cộng đồng", Thanh tâm sự.

Trong nhóm các sản phẩm vì người khuyết tật, sản phẩm Giáo trình điện tử hỗ trợ trẻ khiếm thính luyện âm, tập nói và rèn luyện tư duy của nhóm sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh gồm Lê Hoài Bắc, Nguyễn Đức Hoàng Hạ, Lưu Khoa, Lê Thị Hoàng Ngân đã đoạt giải nhất. Mong muốn của nhóm tác giả là áp dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống, đặc biệt trong việc hỗ trợ trẻ em kém khuyết tập có khả năng hòa nhập với cộng đồng.

Đặc biệt, sản phẩm Từ điển ký hiệu giao tiếp của người khiếm thị của nhóm tác giả Cao Thị Xuân Mỹ, Nguyễn Minh Hùng, Trần Thị Vàng, Nguyễn Văn Khoa, Võ Minh Trung, Khoa Giáo dục đặc biệt, ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh đã nhận được bằng khen vì tính chuyên nghiệp và thành công quốc tế.

Ban đầu, nhóm tác giả dự định viết từ điển này giúp cho sinh viên có thể học được ký hiệu giao tiếp của trẻ khuyết tật để làm tốt vai trò người giáo viên dạy trẻ khiếm thính khi ra trường. Nhưng trong quá trình điều tra thực hiện, họ nhận thấy sản phẩm sẽ không chỉ giúp cho sinh viên, giáo viên mà còn có thể hỗ trợ trẻ khiếm thính, người nhà cũng như những người quan tâm muốn giao tiếp với trẻ khiếm thính... đều có thể sử dụng để học ký hiệu giao tiếp. Điều đó khiến người thực hiện không chỉ lấy ký hiệu của Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An mà mở rộng mẫu ở nhiều nơi. Do đó, đề tài đã được triển khai thành một dự án lớn và đoạt giải nhất cuộc thi Samsung Digitall Hope 2004, Cúp vàng APICTA 2006 tại Thái-lan.

Phát biểu tại lễ trao giải, Thứ trưởng Bưu chính - Viễn thông Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo xúc động cho biết, ông từng tham gia làm thành viên hội đồng giám khảo của nhiều cuộc thi về CNTT, nhưng đây là cuộc thi đặc biệt nhất. Ngoài các tiêu chí thông dụng như tính sáng tạo, tính hiệu quả như các cuộc thi khác, tiêu chí của cuộc thi này còn xem xét đến tính nhân đạo, vượt khó… nên Hội đồng giám khảo vất vả hơn khi đánh giá các sản phẩm đoạt giải.

"Giải thưởng sáng tạo ICT - Thắp sáng niềm tin, ngoài yếu tố chất lượng của sản phẩm góp phần giúp người khuyết tật trong đời sống thực tiễn, chúng tôi còn mong muốn đây là cơ hội để người khuyết tật vượt khó, khẳng định bản thân và hòa nhập cộng đồng nhờ các sáng tạo của chính bản thân họ", ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, Phó trưởng Ban thường trực giải thưởng nói.

Giải thưởng "ICT - Thắp sáng niềm tin" sẽ được tổ chức hai năm một lần, dành cho mọi đối tượng trong và ngoài nước. Tại lễ trao giải, cuộc thi "ICT - Thắp sáng niềm tin" lần thứ hai cũng được phát động từ nay cho đến 18-4-2009.

HỒNG VÂN

Sau đây là các sản phẩm đoạt giải khác của cuộc thi:

Nhóm sản phẩm CNTT-TT do người khuyết tật sáng tạo:

- Giải nhì: Phần mềm đọc tiếng Việt, tác giả Phan Anh Dũng, Huế.

- Giải khuyến khích:

* Phần mềm xác minh hóa đơn, Mai Văn Quang, Ngô Thanh Vũ, Phạm Thanh Sơn, TP Hồ Chí Minh.

* Hướng dẫn người khiếm thị phương pháp dạy và tự học đàn guitar, Nghệ sĩ  Văn Vượng, Hà Nội. 

Nhóm sản phẩm CNTT-TT vì người khuyết tật:

- Giải nhì: VnMobile Speech- Phần mềm đọc tin nhắn trên điện thoại di động Voice Message 1.0, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Đức Thiện, Bùi Quang Trung, Lớp Tin học 2 - đại đội 337, tiểu đoàn 3 - Học viện Kỹ thuật quân sự.

- Giải ba:

* AMIS, nhóm tác giả Việt Nam và quốc tế gồm các bạn Marisa DeMeglio, Daniel Weck, Julien Quint, Avneesh Singh, Hiroshi Kawamura, Dipendra Manocha,  Hoàng Mộc Kiên, Lê Toàn Thắng thực hiện.

* Trình duyệt Sao Mai của Trung tâm Sao Mai.

* Trợ giúp giao tiếp Talk Helper, Nhóm SV khoa CNTT-ĐHDL Đông Đô Hà Nội.

- Giải khuyến khích: Phần mềm dạy và học Địa lý lớp 6 cho học sinh khiếm thính, nhóm tác giả Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội. 

Nhóm các sản phẩm, dự án của cộng đồng đóng góp  vì người khuyết tật:

- Giải đồng hạng:

* Sáng kiến ứng dụng CNTT tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật của Chi cục Thuế quận 1 TP Hồ Chí Minh.

* Trung tâm Tin học Tia sáng Hà Nội nhờ những đóng góp trong việc phổ cập và ứng dụng CNTT cho người khuyết tật.

* PWD Soft nhằm tạo cơ hội cho người khuyết tật sáng tạo CNTT của tác giả Đỗ Văn Du.

- Giải khuyến khích:

* Cẩm nang tiếp cận CNTT cho người khuyết tật của tác giả Trần Bá Thiện, TP Hồ Chí Minh.

* Vì một ước mơ xanh cho người khuyết tật, Nhóm ước mơ xanh TP. Đà Nẵng.

* Thiết lập mạng thông tin hỗ trợ bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc-tuyên truyền trong xã hội về bệnh máu khó đông, Nguyễn Văn Thạnh, Đà Nẵng.