Mác Tuyên và thế hệ những lạc cầm

Ðiều đó ghi nhận sức lao động nghệ thuật "đáng nể" của Mác Tuyên. Vẫn những âm thanh, nói như nhà thơ Lữ Giang: Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha... của đàn bầu, nhưng lại cất lên từ một dáng bay của chim Lạc thay vì dạng ống, dạng thùng cũ kỹ.

Hàng chục năm qua đã có biết bao nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà báo đánh giá cao ý nghĩa của Lạc cầm. Ðài Truyền hình Việt Nam từng phát sóng giới thiệu nhiều chương trình về cây đàn này với người xem trong và ngoài nước. Nhớ lại cách đây không lâu, khi được tiếp cận với Lạc cầm 13 của Mác Tuyên, GS.TS. Nhạc sĩ Trần Văn Khê nhận xét: ... Nếu có điều kiện đưa Lạc cầm ra thế giới, thì đó là niềm hãnh diện của chúng ta...

Năng lực sáng tạo của Mác Tuyên luôn dồi dào. Khi đang làm Lạc cầm 14, 15, ông đã nghĩ đến một Lạc cầm khác hơn, không chỉ ở dáng hình, mà ở khả năng tạo âm thanh, đáp ứng nhu cầu biểu diễn của ít nhất ba nghệ sĩ khi thực hiện hòa âm trên một cây đàn. Ông đã lựa chọn những sắc thái điển hình nhất của đàn tranh, đàn ghi-ta phím lõm, đàn bầu và đàn gõ bằng búa trên dây đàn như pi-a-nô. Không dưới năm năm miệt mài đầu tư cho Lạc cầm 16, nhà ông trở thành xưởng thợ, nhạc sĩ thành thợ cơ khí. Hàng độc, không xưởng nào nhận chế tạo thì ông tự làm lấy. Hỏng thì làm lại... Tiền hết thì vay. Không vay được thì nghỉ giải lao dài dài chờ các con ở nước ngoài gửi tiền về.

Chung tình với Lạc cầm, nên Mác Tuyên đã thành công. Lạc cầm 16, một cây đàn kỷ lục Việt Nam và nếu xét về cấu tạo, trong các tư liệu hiện có về nhạc cụ chưa hề có cây đàn nào tương tự. Như vậy Lạc cầm 16 của Mác Tuyên cũng sẽ là "kỷ lục ghi-nét"... Những người thợ làm đàn nổi tiếng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều "bái phục" Mác Tuyên không chỉ ở ý tưởng cao đẹp mà cả ở khả năng tổng hợp nhiều yếu tố cổ truyền và khoa học hiện đại để chế tác nhạc cụ. Bộ phím đàn gõ như pi-a-nô, được ghép hữu cơ vào Lạc cầm để nghệ sĩ dễ dàng vừa nhấn cần rung của độc huyền vừa bấm phím đàn gõ bàn chân đạp pê-đan chuyển gam nhấn nhá hữu hiệu tạo nên những hòa âm tôn vinh nhạc phẩm. Ngay dưới đàn gõ là đàn tranh được chế riêng cho Lạc cầm đáp ứng mọi nhu cầu thể hiện tác phẩm. Còn ở bên phải, chiếc ghi-ta phím lõm được gắn trên một kết cấu vừa động vừa mở cho phép dịch chuyển rất nhiều vị trí thích hợp.

Cây đàn Lạc cầm 49 dây của Mác Tuyên có thể vang lên những "mầu âm thanh" của đàn bầu, đành tranh, ghi-ta và đàn gõ như pi-a-nô. NSND Thanh Tâm, Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện Hà Nội, vui vẻ nhận xét: Sinh viên khoa âm nhạc truyền thống dễ dàng làm quen và không cần nhiều thời gian đều chơi được Lạc cầm. Nhà mỹ học âm nhạc - GS Dương Viết Á thì cho rằng: Lạc cầm 16 đẹp cả về tạo dáng và âm thanh.

Tôi thì tâm đắc với lời đánh giá của GS. VS Vũ Tuyên Hoàng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam: Lạc cầm 16, một nhạc khí hình chim Lạc rất độc dáo chưa từng có trong nhạc văn của bất cứ quốc gia nào, dân tộc nào... Ðây là một  kỳ công của Mác Tuyên về phương diện nghiên cứu sáng chế nhạc khí... Ðiều đó lý giải vì sao sáng chế này của tác giả Mác Tuyên vừa giàu tính khoa học công nghệ và khoa học âm nhạc vừa thấm đượm tính nhân văn.

Chúng ta chung vui với Lạc cầm 16 bởi Mác Tuyên đã tiến thêm một bước dài trên con đường sáng tạo nhạc cụ hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ðược biết, trong dịp ngày Giỗ tổ Hùng Vương sắp tới, Lạc cầm 16 sẽ ra mắt công chúng ở quy mô cộng đồng qua chương trình nghệ thuật hoành tráng Âm vang cội nguồn do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng phối hợp với một số đơn vị nghệ thuật ở T.Ư và Hà Nội thực hiện.