Khắc phục hiện tượng "lợi ích nhóm" và "tư duy nhiệm kỳ" trong tái cấu trúc kinh tế

NDO - Phát biểu ý kiến bế mạc Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: " Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ðây là nhiệm vụ rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong nhiều năm... Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị 'tư duy nhiệm kỳ', tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay 'lợi ích nhóm' chi phối'...

'Lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ' có những biểu hiện 'muôn hình vạn trạng', biến màu linh hoạt và ngày càng len sâu khắp các lĩnh vực, địa phương, quy mô với các cấp độ. Tuy vậy, chúng đều có chung một đặc trưng là thường khai thác, lạm dụng các kẽ hở và ẩn mình trong vỏ bọc pháp luật; nhân danh cái tốt đẹp và lợi ích chung, quốc gia, cộng đồng tập thể, để thu vén lợi ích cho cá nhân, gia đình, nhóm trong nhiệm kỳ công tác...

Biểu hiện rất rõ của 'lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ' thông qua công tác quy hoạch và đầu tư công; trong điều hành lĩnh vực tài chính-tiền tệ-ngân hàng; trong quản lý giá cả những ngành độc quyền; trong cơ cấu phát triển ngành; và đặc biệt là trong quản lý tài nguyên và đất đai.

Sự cố kết của các nhóm lợi ích với các nhà hoạch định chính sách theo tư duy nhiệm kỳ dễ dẫn tới các hành vi tham nhũng hoặc trục lợi, vun vén cá nhân. Ðó là những biểu hiện tha hóa trong sử dụng quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị ở các cấp, lĩnh vực, vượt ra ngoài khuôn khổ của pháp luật, ăn bám trong quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế, phá vỡ trật tự, kỷ cương, làm băng hoại các giá trị truyền thống trong các quan hệ cộng đồng và quan hệ trong xã hội công dân. Chúng tạo ra hiện tượng chạy chính sách, chạy dự án, chạy vốn, chạy chức, chạy quyền, chạy thành tích và cả chạy tội, chạy án...; làm sai lệch các tín hiệu thị trường, cơ cấu và định hướng các nguồn lực quốc gia, làm tăng nợ công và sự bất ổn vĩ mô; làm tăng nguy cơ lỏng lẻo và mất kiểm soát pháp luật Nhà nước và giảm sút hiệu quả đầu tư các cấp độ và quy mô; làm mất cơ hội và sức cạnh tranh kinh doanh; tạo những cơn nóng- lạnh bất thường nặng mùi đầu cơ và những rủi ro chính sách đủ loại trong đời sống kinh tế vĩ mô và vi mô...

Cũng như nạn tham nhũng, 'lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ' đang gây cản trở lớn trong mỗi thể chế nhà nước, và sự phát triển của mỗi quốc gia và từng địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển và tác hại của chúng tùy thuộc vào sự tiến bộ và sức mạnh kiềm chế tự thân của nhận thức lý luận, mô hình phát triển và thể chế chính trị, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống luật pháp, cũng như cơ chế sử dụng, quản lý cán bộ.

Từ thực tiễn và yêu cầu bức xúc nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhất là tái cấu trúc nền kinh tế, cần có những giải pháp khắc phục kịp thời vấn đề 'lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ'. Ðiều kiện quan trọng để hạn chế 'lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ' là sớm xây dựng những giá trị chuẩn chung, những cơ chế hữu hiệu bảo vệ lợi ích quốc gia, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Khắc phục những lệch lạc về nhận thức giữa công cụ với mục tiêu, những bất cập và lạm dụng về khái niệm, mô hình tăng trưởng. Cần xây dựng Luật Ðầu tư công và làm rõ quyền tự chủ địa phương với yêu cầu quản lý nhà nước tập trung, thống nhất (đặc biệt là  trong quy hoạch tổng thể chung và quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường). Phân biệt rạch ròi giữa mục tiêu vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, giữa nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ kinh doanh của các hoạt động đầu tư công, cũng như quản lý nhà nước với quản lý kinh doanh. Khắc phục sự thiếu minh bạch trong chính sách, thông tin và cả trong hệ tiêu chí đánh giá, đo lường chất lượng, hiệu quả đầu tư. Tăng cường yêu cầu giải trình, sự phản biện và giám sát xã hội; giảm thiểu căn bệnh sính thành tích, coi trọng hình thức trong hoạt động của các đoàn thể, cũng như quản lý nhà nước các cấp.

Cần đổi mới công tác cán bộ theo hướng đề cao quy chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; khắc phục tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng không bảo đảm chất lượng cán bộ theo quy hoạch. Coi trọng phát hiện, đào tạo, sử dụng và tôn vinh người tài, đủ tâm và đủ tầm gánh vác trọng trách, kiên quyết chống những biểu hiện tham nhũng trong công tác cán bộ, thường xuyên phát hiện, xử lý, loại bỏ kịp thời những cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức và vô trách nhiệm, mất uy tín và trở thành lực cản phát triển.

Quá trình tái cấu trúc kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi quyết tâm chính trị và đồng thuận xã hội cao. Quá trình này cũng gặp không ít khó khăn, trong đó có lực cản từ các 'lợi ích nhóm' và lối 'tư duy nhiệm kỳ'. Những khó khăn và lực cản trên đây nếu không được nhận diện và hóa giải tốt, có thể gây hệ quả xấu, làm cản trở quyết tâm tái cấu trúc...

Quán triệt và thực hiện tốt các Nghị quyết Hội nghị T.Ư 3, 4 và 5 (khóa XI), đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng là nhiệm vụ trọng tâm và điều kiện cần thiết để khắc phục căn bệnh 'lợi ích nhóm' và 'tư duy nhiệm kỳ' trong phát triển và tái cơ cấu kinh tế trong thời gian tới.