Bước tiến mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình

NDO -

NDĐT - Với sự kết hợp của vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D, các bệnh nhân gặp vấn đề về tổn thương xương, khuyết xương, ung thư xương… sẽ có cơ hội được vận động bình thường thay vì phải chấp nhận bị tàn tật vĩnh viễn như trước.

PGS, TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.
PGS, TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn.

Sáng 8-11, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Công ty cổ phần Y sinh Ngọc Bảo tổ chức hội thảo khoa học “Vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D: Bước tiến mới trong chấn thương chỉnh hình” với sự tham gia của đông đảo các bác sĩ trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

Bước tiến mới trong chấn thương chỉnh hình

PGS, TS Ngô Duy Thìn, Bộ môn Mô Phôi, Trường Đại Học Y Hà Nội cho biết, việc sử dụng các sản phẩm cấy ghép làm từ peek ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình, tạo hình sọ não, phẫu thuật cột sống. “Thế giới đã sử dụng vật liệu này từ năm 1990 và Việt Nam cũng nghiên cứu về vật liệu này từ năm 2002”, PGS Thìn cho biết.

Từ năm 2018, Viện nghiên cứu và phát triển vật liệu y sinh, Công ty cổ phần y sinh Ngọc Bảo được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ “Nghiên cứu chế tạo mảnh vá hộp sọ và lồi cầu xương hàm dưới bằng công nghệ 3D từ vật liệu peek”. 10 bệnh nhân mắc bệnh lý mất xương, xương vỡ vụn, tổn thương hai mảnh, tổn thương quá lớn… được thử nghiệm lâm sàng trong một năm qua cho thấy tính ưu việt của sản phẩm được chế tạo riêng cho từng người này.

“Sản phẩm nghiên cứu của chúng tôi không thua kém so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, mảnh vá hộp sọ của Viện chúng tôi còn được thiết kế các chân chống sập, lún, không cần nẹp cố định, giảm chi phí cho bệnh nhân”, PGS, TS Ngô Duy Thìn nói. Hiện nay, vật liệu này đang được ứng dụng thực hành tại ba bệnh viện gồm Bệnh viện K, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đại học Y.

Cùng với đó, lĩnh vực chấn thương chỉnh hình cũng đã có thêm công nghệ vượt trội, hỗ trợ các bác sĩ trong việc tái tạo lại các phần xương bị khuyết cho bệnh nhân, đó là việc ứng dụng công nghệ in 3D. Công nghệ này đã góp phần tạo ra các đoạn xương, khớp nhân tạo và các dụng cụ phẫu thuật có tính chính xác cao, khả năng tùy biến rộng và tương thích chặt chẽ với từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.

Sự kết hợp của vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D giúp các bác sĩ sau khi chụp tổn thương xương bằng CT, dựng hình trên máy tính, in ra bằng nhựa theo kích thước bằng nguyên mẫu với kỹ thuật in 3D, thì đoạn xương nhựa này sẽ được sử dụng để làm khuôn đúc cho vật liệu peek. Từ đó, các bác sĩ tạo ra đoạn xương ghép bằng vật liệu peek có kích thước trùng khớp với đoạn xương bị lấy bỏ.

Cơ hội mang lại sự vận động cho bệnh nhân ung thư xương

Ung thư xương cùng với các chấn thương nặng hoặc nhiễm trùng phức tạp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất đoạn, khuyết hổng tổ chức xương dài ở bệnh nhân khiến bệnh nhân nhanh chóng dẫn đến tình trạng tàn phế và suy giảm nặng nề chất lượng cuộc sống.

PGS, TS Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết, ung thư xương là bệnh lý hiếm gặp nhưng có chiều hướng gia tăng với tỷ lệ ung thư xương nguyên phát chiếm 1% trong các loại ung thư và ung thư xương thứ phát phổ biến hơn. Trong hàng chục năm điều trị của mình, BS Dũng cho biết, tỷ lệ bệnh nhân ung thư xương hay gặp nhiều ở nhóm tuổi trẻ (khoảng 20 tuổi) và tỷ lệ nữ chiếm tới 90%, chủ yếu ung thư khớp gối. Ung thư xương hay gặp ở những phần khớp, vì thế trước đây các bác sĩ sẽ cắt tiến hành cắt rộng rãi bao gồm phần xương ung thư và phần mềm, cơ để ngăn cản việc di căn. Vì thế, những bệnh nhân này sẽ bị mất chức năng vận động hoàn toàn, gây ảnh hưởng đến hoạt động, thẩm mỹ và tâm lý cho bệnh nhân.

Bước tiến mới trong phẫu thuật chấn thương chỉnh hình ảnh 1

Bệnh nhân đã vận động tốt sau khi được thay thế xương đùi bằng xương sinh học peek in 3D.

Những kỹ thuật trước đây như ghép xương đồng loại, thay khớp kèm ghép xương đồng loại… gặp nhiều hạn chế vì thiếu nguồn cung, gặp vấn đề về thải ghép và khả năng mắc các bệnh lây nhiễm.

Tuy nhiên, với vật liệu peek mới này, những bệnh nhân ung thư xương sẽ có cơ hội được vận động trở lại với khả năng hỗ trợ của vật liệu giúp tái tạo lại khả năng vận động khoảng 70-80% so với trước. Tại Bệnh viện K, những bệnh nhân được phẫu thuật can thiệp bằng vật liệu này đã có hiệu quả cao trong việc tự vận động, tự đi lại không sử dụng tới nạng.

“Để mổ cho một bệnh nhân ung thư xương, chúng tôi phải có năm kíp và bệnh nhân sẽ phải trải qua quá trình điều trị hóa chất trước phẫu thuật. Nếu bệnh nhân ung thư xương đáp ứng với điều trị hóa chất thì mổ sẽ có tỷ lệ thành công cao. Những trường hợp không đáp ứng thì gần như chúng tôi sẽ bảo tồn”, BS Dũng nói.

Cũng theo BS Dũng, có ba tiêu chí để các bác sĩ quyết định có phẫu thuật và ứng dụng vật liệu peek hay không là bệnh nhân phải đáp ứng hóa chất, tổn thương còn khu trú tại chỗ và không có dấu hiệu di căn xa.

Hiện nay, đã có 20 ca được ứng dụng vật liệu này cho cả tổn thương xương ở khớp tay và khớp chân, trong đó có hai ca khớp chân khó nhất vừa được can thiệp thành công tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện K, mang lại sự vận động cho người bệnh. Chi phí cho một ca phẫu thuật xương sử dụng vật liệu peek khoảng 50-60 triệu và cũng đang được nhóm hỗ trợ nghiên cứu một phần chi phí.

"Vật liệu y sinh peek và công nghệ 3D đang mở ra triển vọng mới cho phẫu thuật chấn thương chỉnh hình nói chung và phẫu thuật tái tạo xương khớp nói riêng. Chúng tôi mong muốn được nhiều người dân biết hơn nữa tới kỹ thuật này, để giúp họ có được cuộc sống tốt hơn, không phải đối mặt với việc bị tàn tật vĩnh viễn nếu không may bị mắc bệnh phải cắt bỏ xương", BS Dũng chia sẻ.