Cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862-1929) sinh ra tại huyện Nam Ðàn (Nghệ An), vùng đất địa linh nhân kiệt đã sản sinh nhiều nho sĩ, hiền tài cho đất nước. Cụ đỗ Phó bảng năm 1901 và được bổ nhiệm làm quan. Tuy nhiên, trước thực trạng thối nát của chính quyền phong kiến thuộc địa và luôn đứng về phía dân nghèo, cụ đã bị cách chức và sau đó về sinh sống tại làng Hòa An, tỉnh Ðồng Tháp, làm nghề dạy học, bốc thuốc chữa bệnh giúp nhân dân trong vùng, đồng thời truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Ðể tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn, chính quyền và nhân dân Ðồng Tháp đã xây dựng lại khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ðến nay, sau nhiều lần tôn tạo, khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở TP Cao Lãnh đã trở thành quần thể di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng của Ðồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung. Với diện tích khoảng hơn 9 ha, tổng thể khu di tích là một phức hợp kiến trúc hài hòa gồm nhiều hạng mục công trình chính như: vòm mộ, hồ Sao, đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, mô hình Nhà sàn Bác Hồ và mô hình tái hiện một góc làng Hòa An xưa… Tất cả toát lên vẻ giản dị mà uy nghi, gần gũi mà trang trọng, khiến bước chân ai tới cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi tưởng nhớ đến một nhân sĩ yêu nước, thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Ðiểm nhấn nổi bật của khu di tích là khu vực mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Vòm mộ quay về hướng đông cao hơn 10 m, có mái hình cánh hoa sen cách điệu như bàn tay xòe ra úp xuống, trên đắp nổi chín đầu rồng cách tân đậm nét dân gian tượng trưng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở, bảo vệ nơi yên nghỉ của cụ Phó bảng. Mộ được ốp đá hoa cương, núm mộ có hình chữ nhật mầu xám nổi bật trên nền mộ bằng đá mài mầu trắng, có hình lục giác mở rộng dần sang hai bên. Cách mộ không xa là đỉnh trầm hình búp sen được làm bằng đá cẩm thạch. Phía trước vòm mộ là hồ nước hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho Tổ quốc Việt Nam, giữa có đài sen trắng vươn cao là biểu tượng của quê hương Kim Liên (Nghệ An) và Cao Lãnh (Ðồng Tháp), đồng thời cũng là biểu tượng về một cuộc đời thanh bạch, yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Khuôn viên lăng mộ có nhiều loại cây cảnh, hoa trái được nhân dân trong cả nước mang tới trồng lưu niệm. Chếch về phía trái vòm mộ là khu vực đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc. Mái đền lợp ngói âm dương đỏ, nền nhà lót đá hoa cương sẫm mầu. Giữa gian thờ đặt tượng cụ Phó bảng, gần đó là chiếc bàn gỗ được chạm khắc công phu đặt các dụng cụ thờ, cúng. Toàn bộ kiến trúc và thiết kế trang trí của khu vực đền thờ toát lên vẻ đẹp hài hòa, ấm cúng, thiêng liêng.
Rời khu lăng mộ và đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, khách đến tham quan khu nhà trưng bày những hiện vật, tư liệu liên quan cuộc đời, sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nhà trưng bày được lợp ngói với tường gạch, phản ánh chân thực từng giai đoạn gắn liền cuộc đời cụ Phó bảng theo những chủ đề lớn như: Quê hương và gia đình, Những năm tháng khổ luyện thành tài, Chốn quan trường-từ quan vào nam hoạt động, Tình cảm của cụ Nguyễn Sinh Sắc với nhân dân Hòa An và tình cảm của nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ. Cũng từ những trưng bày và nguồn tư liệu, hình ảnh giới thiệu tại đây, càng thêm hiểu tầm ảnh hưởng của cụ Nguyễn Sinh Sắc đến nhân cách và cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khuôn viên khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thêm phần hấp dẫn với một góc tái hiện không gian làng cổ Hòa An trước đây. Những đường làng nhỏ bé, những con rạch nhỏ, những ngôi nhà cổ với nếp ăn, nếp mặc và những nghề truyền thống của Hòa An xưa như nghề rèn, mộc, đờn ca tài tử… hiện lên đầy sống động giúp thế hệ trẻ có thể cảm nhận, hiểu hơn về hình ảnh và cuộc đời của một nhân sĩ yêu nước. Bên cạnh đó là hình ảnh nhà sàn Bác Hồ được thiết kế theo đúng tỷ lệ ngôi nhà sàn của Người trong Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, để du khách có thể phần nào hình dung và tìm hiểu về nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội…
Với kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc, đến nay, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc đã trở thành địa điểm du lịch về nguồn nổi tiếng của miền đất sen hồng. Hằng năm, khu di tích lại đón hàng chục nghìn lượt khách tới viếng thăm, nhất là vào ngày 27-10 âm lịch hằng năm, tức ngày giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.