Hội cha mẹ học sinh là tổ chức cần thiết trong mỗi đơn vị trường, lớp học bậc phổ thông. Ðược hình thành và tồn tại khá lâu cho nên Hội cha mẹ học sinh không còn xa lạ với các gia đình có con em đã hoặc đang trong tuổi học trò. Thông thường, vào những tuần đầu của năm học mới, Ban Giám hiệu các trường đều tổ chức họp mặt cha mẹ học sinh. Trong buổi họp này ngoài giới thiệu những nét cơ bản về lịch sử, truyền thống cơ cấu tổ chức, cơ sở trường lớp, kế hoạch giảng dạy, học tập... thì còn nội dung không thể thiếu là Ban Giám hiệu, thầy cô chủ nhiệm đề nghị các vị cha mẹ học sinh đề cử ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, của trường. Nếu được tổ chức và hoạt động tốt, Hội cha mẹ học sinh sẽ là nhân tố quan trọng tham gia, góp sức cùng nhà trường trong công tác giáo dục đạo đức học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi; giúp đỡ học sinh yếu kém; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; là đầu mối quan trọng huy động nguồn lực vật chất, tinh thần từ gia đình từng học sinh và toàn xã hội thực hiện xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của Hội cha mẹ học sinh của nhiều trường, nhiều lớp trong những năm qua thường không được như mong đợi.
Tại hầu hết các buổi họp mặt cha mẹ học sinh trong thành phố, nội dung chủ yếu vẫn là vấn đề đóng góp tiền bạc. Rất ít trường hợp ban đại diện chủ động đề nghị các vị cha mẹ bàn bạc tìm cách giúp các cháu có học lực kém, hoàn cảnh khó khăn vươn lên, hoặc bàn bạc tìm ra phương án hạn chế, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông; đề xuất ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường... Thay vào đó, các vị cha mẹ học sinh thường phải nhận thông báo về dự kiến các khoản kinh phí phải chi trong từng học kỳ và cả năm học; nhu cầu mua sắm thiết bị phục vụ giảng dạy; làm mới hoặc sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật trong trường, lớp; các khoản tiền phải nộp vào quỹ Hội cha mẹ học sinh toàn trường; quỹ Hội cha mẹ học sinh của lớp... Tình trạng này diễn ra phổ biến, kéo dài nhiều năm; lạm dụng danh nghĩa tự nguyện đến mức nhiều người gọi Hội cha mẹ học sinh là “Hội phụ thu”.Lời ví von đó phần nào chứng tỏ công tác quản lý, chấn chỉnh tình trạng lạm thu của các cơ quan chức năng trong nhiều năm qua vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Thu tiền từ cha mẹ học sinh để Hội cha mẹ học sinh có kinh phí hoạt động; hỗ trợ nhà trường trong việc mua sắm thiết bị, sửa sang nhà vệ sinh, sân trường, trồng thêm hoa cỏ, cây xanh hay tạo quỹ khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh khó khăn là việc làm cần thiết và luôn được các bậc cha mẹ học sinh cũng như toàn xã hội ủng hộ. Tuy nhiên, lạm dụng vấn đề này bằng cách “nghĩ” ra nhiều khoản chi; lạm dụng danh nghĩa “vận động”, “tự nguyện” để thu là chuyện cần được các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa. Dù không trực tiếp tổ chức thu quỹ nhưng nếu Ban Giám hiệu các trường không theo sát, phát hiện, chấn chỉnh tình trạng lạm thu của Hội cha mẹ học sinh thì uy tín của nhà trường cũng sẽ bị ảnh hưởng đồng thời làm xấu đi mối quan hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh.