Giữ gìn nét đẹp truyền thống của áo dài

Cách tân, "biến tấu" chiếc áo dài là một trào lưu trong những năm gần đây và được dư luận quan tâm, bởi thời trang là một phần rất gần gũi và dễ thấy của đời sống văn hóa. Mặc dù chuyện cách tân áo dài làm sao cho phù hợp đã được bàn luận nhiều lần, song trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua đã trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi chưa có hồi kết vì sự xuất hiện của nhiều loại áo dài quá khác biệt so với áo dài truyền thống.

Thực tế áo dài Việt Nam đã trải qua nhiều lần biến đổi mới thành hình khá hoàn chỉnh, ổn định và được thừa nhận là trang phục truyền thống như hiện nay. Ngoài ra, công nghệ dệt và in ấn phát triển cũng đem đến những chất liệu và hoa văn mới cho các nhà thiết kế áo dài thỏa sức sáng tạo, từ vải mềm đến vải cứng, từ đơn sắc đến họa tiết nhiều loại… Cách tân làm độ dài thân áo, tay áo trở nên đa dạng, độ rộng của ống quần cũng được thay đổi để tiện cho việc di chuyển, cử động của người mặc. Điều này khiến cho chiếc áo dài mang dáng vẻ hiện đại, trẻ trung, năng động và sự tiện lợi khiến người ta không phải ngại mặc áo dài nữa.

Thế nhưng, khi đã thấy thoải mái, ứng dụng được hằng ngày rồi, nhiều người lại muốn phá cách thêm, muốn khác đi, nhất là giới trẻ với tâm lý chuộng cái mới lạ, độc đáo. Và thế là hàng loạt kiểu áo được gắn cho cái tên “áo dài cách tân” ra đời, với dáng dấp xẻ tà của áo dài nhưng bỏ hẳn phần cổ áo, không chiết eo, hoặc độ dài được cắt đi chỉ còn đến đầu gối, hoặc mặc với váy xòe thay vì quần suông… Lại thêm giá thành khá rẻ so với may đo áo dài truyền thống, cho nên mốt này đang được “lăng xê” khá mạnh, vào các dịp nghỉ lễ, hội hè, Tết… Đáng nói là không phải bộ áo nào cũng đẹp, cũng tinh tế. Đã có không ít thiết kế bị cách tân một cách phản cảm, chẳng hạn như vải quá mỏng, cổ áo khoét quá sâu, mặc với váy quá ngắn, hoặc chắp vá và lai tạp với trang phục nước ngoài. Những hình ảnh này xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội, trên các diễn đàn, trên báo. Những ý kiến gay gắt thì cho rằng: “Áo dài như vậy là phá vỡ truyền thống. Mỗi năm cách tân một kiểu, kiểu nào cũng làm cho áo dài trở nên dị thường”. Một số ý kiến nhẹ nhàng hơn lại chê không hợp với người phụ nữ Việt Nam… Cũng có người lại nhìn nhận đây chỉ là cách gọi, cho rằng, không nên gắn cho loại trang phục cải biên đó cái tên áo dài Việt Nam hay áo dài cách tân, mà chỉ là váy áo thời trang thông thường, có vài chi tiết lấy cảm hứng từ áo dài mà thôi.

Mỗi người có sở thích, gu thẩm mỹ khác nhau và lý lẽ để nêu quan điểm của mình. Bản thân thời trang vốn luôn có sự vận động, biến chuyển không ngừng, và việc cách tân áo dài được nhiều người đồng tình cũng bởi mẫu áo truyền thống đôi khi cầu kỳ, gò bó, bất tiện. Song, trước những mẫu áo cách tân quá đà, vô duyên, phải khẳng định rằng dù trang phục có quyền sáng tạo, điều chỉnh, nhưng vẫn cần dựa trên nền tảng văn hóa, lịch sử, không thể tùy tiện và dễ dãi đánh mất đi vẻ đẹp tinh hoa truyền thống. Ranh giới giữa “làm mới” và "làm hỏng”, “phá cách” và "phá hoại” tà áo dài khá mong manh, phụ thuộc nhiều vào cái tâm và cái tài của những người thiết kế, quảng bá, phân phối sản phẩm đặc biệt này. Quan trọng không kém là người mặc, bởi cái đẹp chỉ được tôn vinh khi sử dụng đúng hoàn cảnh, mục đích và phù hợp vóc dáng. Áo dài truyền thống với vẻ đẹp kín đáo, nền nã và duyên dáng vẫn là không thể thay thế trong các dịp trọng đại, các sự kiện, nghi thức có tính trang nghiêm, chính thống. Vì thế, các loại áo đã được cách tân quá nhiều thì nên cân nhắc, dù mặc thế nào cho đẹp là quyền tự do của mỗi cá nhân.

Không thể phủ nhận việc cách tân áo dài đã góp phần nâng cao tính ứng dụng, mang tà áo dài đi vào đời thường. Việc tìm tòi và đổi mới là phù hợp với quy luật phát triển, dù chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Mặt khác, tuy trào lưu áo dài cách tân đang được người tiêu dùng đón nhận, song nó hoàn toàn cũng có thể mất đi theo thời gian bởi những gì hời hợt và đi ngược thuần phong mỹ tục đều sẽ dần bị đào thải. Có lẽ chúng ta không nên mất quá nhiều thời gian cho việc phê phán, quy chụp những người làm ra áo dài cách tân và những người mặc nó. Thay vào đó là tiếp tục tôn trọng, giữ gìn vẻ đẹp của áo dài truyền thống, khuyến khích mọi người mặc áo dài phù hợp với từng thời điểm, địa điểm, dù là truyền thống hay cách tân.

Áo dài đã ở trong tiềm thức của mỗi người dân và là một biểu tượng của văn hóa dân tộc đối với bạn bè, du khách quốc tế. Đừng nhân danh thời trang để “ngược đãi” áo dài, đánh mất đi niềm tự hào đối với một loại trang phục đẹp đẽ, tinh tế và giàu bản sắc văn hóa.