Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của PVN và ExxonMobil trong việc đạt được những kết quả ban đầu trong thời gian qua, kể từ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí lô 117, 118, 119 được ký năm 2009, và việc hoàn tất Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí mỏ Cá Voi Xanh. Đây được coi là dự án khí lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại, cung cấp nguồn khí lớn, tạo đà cho công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất điện,… tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Trong giai đoạn đầu với sản lượng khai thác khoảng 7,2 tỷ m3 khí/năm, dự án cung cấp đủ khí thô cho bốn nhà máy điện, với tổng công suất khoảng 3.000 MW, dự kiến đưa vào giai đoạn khai thác trước năm 2025, gồm hai nhà máy tại khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) và hai nhà máy đặt tại khu kinh tế Dung quất (Quảng Ngãi). Sản lượng khai thác trong giai đoạn mở rộng khoảng 8,8 tỷ m3 khí/năm, cung cấp đủ khí cho hóa dầu hoặc nhà máy điện thứ 5. Tổng doanh thu dự án dự kiến khoảng 50 tỷ USD, trong đó đóng góp cho Ngân sách nhà nước Việt Nam khoảng 16 tỷ USD.
![]() |
Ký kết Thỏa thuận khung Phát triển dự án mỏ Cá Voi Xanh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định, để bảo đảm phát triển đồng bộ chuỗi dự án khí mỏ Cá Voi Xanh, Chính phủ và Bộ Công thương sẽ chỉ đạo EVN, PVN sớm đạt được thỏa thuận khung về hợp đồng mua bán điện và xác định chủ đầu tư các nhà máy điện đặt tại khu kinh tế Dung Quất, cũng như xem xét để có cơ chế hợp lý đối với đầu tư nhà máy điện sử dụng khí mỏ Cá Voi Xanh. Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo sát sao để việc xây dựng các nhà máy điện bảo đảm đúng tiến độ, phù hợp với tiến độ khai thác của dự án mỏ Cá Voi Xanh. “Để đạt được thành công hơn nữa trong thời gian tới, nhà điều hành ExxonMobil và PVN tiếp tục nỗ lực để đạt được dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2023, bảo đảm sự thành công của mỏ khí Cá Voi Xanh từ khâu thượng nguồn đến khâu hạ nguồn”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Dự án khí mỏ Cá Voi Xanh, Lô 117-119 thuộc bể sông Hồng, ngoài khơi thềm lục địa miền trung Việt Nam, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 100 km về hướng đông, nằm trong Quy hoạch Trung tâm khí-điện miền trung đã được Chính phủ phê duyệt. Dự án có sản lượng khí khai thác hằng năm có thể cung cấp cho bốn đến năm nhà máy điện với tổng công suất hơn 3.000MW, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phù hợp với Quy hoạch khí và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền trung nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.