Tạo cơ hội tái hòa nhập cho người chấp hành xong án phạt tù

Sau khi Luật Đặc xá có hiệu lực năm 2009, Nhà nước ta đã tiến hành bảy đợt đặc xá, tha thù trước thời hạn cho hơn 82 nghìn phạm nhân và hàng nghìn người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Nhân kỷ niệm các ngày trọng đại của đất nước, theo đề nghị của Hội đồng Tư vấn đặc xá T.Ư, ngày 29-11 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá, tha tù trước thời hạn cho hơn bốn nghìn phạm nhân đủ điều kiện.

Việc đặc xá, tha tù trước thời hạn cho những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù và những phạm nhân đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có điều kiện là chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách nhân đạo đó còn thể hiện ở việc tạo điều kiện để những phạm nhân được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, sau mỗi dịp đặc xá, tha tù trước thời hạn, Chính phủ đã gửi công điện chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện các biện pháp, chính sách nhằm tạo điều kiện cho những phạm nhân được đặc xá, tha tù trước thời hạn trở về nơi cư trú, kể cả phạm nhân hết hạn tù sớm hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là quá trình khó khăn cho chính bản thân người được tha tù, và gia đình họ. Đây cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản cho chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương, thể hiện trong những hành động thiết thực, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử, tạo điều kiện để họ có cơ hội ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một số người hoàn lương trở về, nhờ sự giúp đỡ của gia đình đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động thiếu sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đoàn thể dẫn đến thua lỗ, tự giải tán. Đối với đối tượng từng bị phạt tù về các tội hình sự khi trở về gia đình thường rơi vào những hộ nghèo, nếu không được hỗ trợ kịp thời về vốn, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất để họ có thể tự nuôi sống bản thân, khiến con đường tái phạm tội của họ rất dễ dàng.

Có một thực tế là ở nơi nào chính quyền, ngành công an, các đoàn thể, chính trị quan tâm, vào cuộc, nơi đó có nhiều mô hình tham gia tiếp nhận quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù, tái hòa nhập cộng đồng, thu hút được số thành viên tham gia, tạo công ăn việc làm ổn định, tỷ lệ tái phạm tội rất ít. Các mô hình hoạt động hiệu quả tạo được mối quan hệ trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các lực lượng công an, các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, giúp người dân hiểu, chia sẻ, cùng giúp đỡ những người một thời lầm lỗi tự tin nắm lấy cơ hội, đứng dậy tạo lập một trang mới, tươi sáng hơn. Theo số liệu từ Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an), cả nước hiện có gần 120 mô hình và gần 500 cá nhân điển hình. Trong đó 44 tập thể và cá nhân tiêu biểu được Bộ Công an biểu dương, khen thưởng do có những thành tích, mô hình tham gia tiếp nhận, quản lý, giáo dục người được đặc xá, tha tù tái hòa nhập cộng đồng. Như vậy, cơ hội để những người chấp hành xong bản án phạt tù, đặc xá có một "cánh tay" vững chãi nương tựa vẫn còn ít so với nhu cầu thực tế.

Công tác bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng không thuộc trách nhiệm của riêng một cơ quan, đơn vị nào mà đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của toàn xã hội mới đem lại kết quả thiết thực. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ trì tổ chức dạy nghề miễn phí cho các đối tượng này, có sự liên kết chủ động, mạnh mẽ với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm giải quyết công ăn việc làm. Không nên giao cho các địa phương vì khả năng, điều kiện của một số nơi còn hạn chế. Các trại giam, trại tạm giam cần nghiên cứu chọn ngành nghề đào tạo phù hợp từng lứa tuổi, có tính khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng phạm nhân sau khi mãn hạn tù để họ có kỹ năng, sớm xin được việc làm sau khi chấp hành xong án phạt.

Việc trang bị kiến thức pháp lý tạo điều kiện cho những người hết hạn tù, được đặc xá thực hiện nhanh chóng các thủ tục đăng ký hộ khẩu, cấp giấy chứng minh nhân dân, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp; đồng thời, hỗ trợ cho vay vốn, giải quyết việc làm, giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm là những điều cần làm ngay sau mỗi đợt đặc xá. Bên cạnh đó, cần phát huy, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác này. Nghiên cứu, bổ sung các mô hình mới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương; vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hỗ trợ vốn, nhận những người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc... Đối với những người được đặc xá có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội cần quan tâm giúp đỡ hỗ trợ vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.