Phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm từ 6,3 đến 6,5%

Ngày 17-10, tại Hà Nội, diễn ra phiên họp thứ tư (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH). Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung. Ảnh: PHƯƠNG HOA (TTXVN)

* Quyên góp ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền trung: Trong giờ làm việc buổi sáng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đã đóng góp ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận mưa lũ vừa qua.

Khó đạt mức tăng trưởng GDP 6,7%

Tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Nhiều đại biểu nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm nay được QH thông qua là 6,7%, nhưng thực tế có thể chỉ đạt 6,3 đến 6,5%. Tuy nhiên, để đạt mức tăng này, tăng trưởng kinh tế quý IV năm 2016 phải cao hơn nhiều các quý trước. Trong khi đó, những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể… Do đó, kết quả ước thực hiện cả năm 2016 GDP tăng 6,3 đến 6,5% chỉ là kỳ vọng.

Nhiều đại biểu đề nghị, những tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mức tăng GDP cả năm từ 6,3 đến 6,5%. Trong đó, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, khắc phục độ trễ quá dài giữa thời gian ban hành chính sách và thực tế triển khai. Loại bỏ rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, rà soát cắt giảm các chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm quy định về dự toán thu, chi, quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư công. Chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với khai thác tiềm năng du lịch, tiềm năng kinh tế biển. Kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại các vùng bị thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển.

Thảo luận về tình hình thực hiện NSNN năm 2016, một số đại biểu cho rằng, Chính phủ ước thực hiện chi NSNN cả năm bằng 101,9% dự toán (tăng 24.500 tỷ đồng) là sự nỗ lực, chủ động quản lý, điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm. Tuy nhiên, công tác phân bổ, giao dự toán, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với từng hoạt động sự nghiệp… còn rất chậm. Thực tế cho thấy, nhiều chính sách, chế độ chi NSNN còn nợ, chưa hỗ trợ nguồn để các địa phương thanh toán.

Đề xuất tăng mức lương cơ sở 7%

Chính phủ xây dựng dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2017 là 1.212.180 tỷ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2016. Thảo luận nội dung này, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ xây dựng mức tăng như vậy là tích cực, nhưng cần tính toán kỹ, bảo đảm tính chủ động trong điều hành NSNN. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phát hiện kịp thời hành vi gian lận, trốn thuế, truy thu vào NSNN; tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, bảo đảm giảm tỷ lệ nợ đọng về mức quy định, tổ chức chống thất thu ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, tăng thêm nguồn đáp ứng nhu cầu chi. Cơ bản nhất trí phương án dự toán chi ngân sách năm 2017, nhưng một số đại biểu cho rằng, cần cơ cấu lại các khoản chi, có lộ trình thực hiện giảm dần chi thường xuyên trên tinh thần chi tiêu tiết kiệm, rà soát cắt bỏ nhiệm vụ chi tiêu công không hiệu quả, không cần thiết.

Về đề xuất tăng mức lương cơ sở 7% (đạt mức 1.300.000 đồng/tháng) trong năm 2017 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Hải cho biết: Một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, trong điều kiện giá cả tăng cao, đời sống của cán bộ, công chức gặp không ít khó khăn thì đề xuất nêu trên là hợp lý. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tiền lương phải đi đôi với tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính nhà nước, nâng cao hiệu quả công việc; cân nhắc, tính toán kỹ, xác định rõ nguồn thực hiện điều chỉnh lương và tính khả thi khi yêu cầu các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương tự sắp xếp, tiết kiệm trong dự toán được giao để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại nước CHDCND Lào nhiệm kỳ 2016 - 2019.

Trong ngày làm việc hôm qua, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; Kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020...