Lãng phí của "trời cho"
Là tỉnh ven biển, để có được nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho hơn 1,3 triệu dân, Cà Mau dựa vào hai nguồn: khai thác nước ngầm và nước mưa. Trong đó, nguồn nước ngầm thường được tận dụng, khai thác triệt để và dẫn đến nguy cơ ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Theo kết quả điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng nước ngầm trên địa bàn, tỉnh Cà Mau hiện có 141.226 giếng khoan nước ngầm; trong đó có gần 138 nghìn giếng đang khai thác, sử dụng và 3.238 giếng bị hư hỏng không còn sử dụng. Tuy nhiên, số giếng hư hỏng trên được người dân sử dụng lại (do lắp đặt thiết bị hút sâu hơn như máy bơm nén khí) là: 1.136 giếng; số giếng hỏng hẳn là: 2.145 giếng. Lưu lượng khai thác trung bình 373.332 m3/ngày đêm; mật độ khai thác 29,5 giếng/km2. Tổng trữ lượng nước ngầm của tỉnh có thể khai thác khoảng 5,8 triệu m3/ngày; đây là nguồn nước dồi dào, là nguồn nước sạch theo chuẩn quy định, đáp ứng khá tốt cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Ðiều đáng lo nhất là toàn tỉnh có hơn 2.145 giếng nước ngầm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, bỏ hoang nhiều năm không sử dụng do bị nhiễm phèn, mặn... Cũng chính từ đây, nước mặn, nước bị ô nhiễm ngấm sâu, xâm thực, lan nhanh khiến nguồn nước ngầm tại các huyện: Ðầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước... bị nhiễm bẩn, không bảo đảm chất lượng phục vụ sinh hoạt.
Thực trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm và nguy cơ cạn kiệt tại Cà Mau có nhiều nguyên nhân. Trước hết, với diện tích ao đầm, bao ví nuôi tôm gần 300 nghìn ha cũng đồng nghĩa với việc chịu tác động thường xuyên của môi trường. Trong khi phần lớn hệ thống thủy lợi có đào đắp, nạo vét bùn, chất thải trong quá trình nuôi tôm đã không được xử lý triệt để và thường đổ thẳng ra các dòng sông, kênh rạch làm cho việc giải phóng, tiêu thoát nguồn nước bẩn, ô nhiễm rất chậm. Hiện ở nhiều vùng của Cà Mau, nước mặn đã xâm lấn sâu vào nội địa. Tình trạng một bộ phận người dân tự phát, lén lút đưa nước mặn vào vùng quy hoạch ngọt hóa, đất rừng tràm để nuôi tôm đang diễn ra khá phức tạp, trong khi hệ thống thủy lợi đầu tư manh mún, chưa thể chủ động, bảo đảm tốt việc tiêu thoát nước phèn, ô nhiễm... Thời gian qua, vào mùa khô tại một số vùng nuôi tôm ở Cà Mau, người dân còn khoan giếng lấy nước ngọt pha vào để giảm độ mặn khi nước tại các dòng sông, kênh rạch có độ mặn cao hơn nhiều mức trung bình. Bên cạnh đó, hàng chục nhà máy chế biến thủy sản đã đổ chất thải trực tiếp ra sông, chưa qua hệ thống làm sạch, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước thêm trầm trọng.
Theo Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước Ðặng Quốc Nam (Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau), hàng nghìn giếng nước ngầm đang bỏ hoang không sử dụng hiện nay đang là nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm (do ô nhiễm từ mặt đất xuống). Lâu nay, việc quản lý nhà nước nguồn tài nguyên này còn thiếu chặt chẽ. Hiện toàn tỉnh chỉ có vài cơ sở đăng ký hành nghề khoan khai thác nước ngầm; trong khi chưa thể kiểm soát, quản lý được hàng trăm tổ, đội khoan tư nhân hoạt động khai thác nước ngầm, nhất là tại các vùng nông thôn. Việc khoan giếng nước thường diễn ra lén lút với giá trọn gói từ 8 đến 10 triệu đồng, tùy theo từng vùng, từng địa bàn; thời gian khoan một giếng nước từ 10 đến 15 giờ.
Ðể khai thác hiệu quả nguồn nước ngầm
Qua điều tra, khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau gần đây, tỉnh có bảy tầng nước ngầm, với trữ lượng có thể khai thác đạt khoảng 5,8 triệu mét khối/ngày đêm theo từng độ sâu khác nhau. Trước đây, để lấy nguồn nước ngầm chỉ cần khoan xuống tới độ sâu từ 80 đến 100 m; nay phải khoan đến độ sâu từ 150 đến 200 m. Do khai thác tràn lan, không tuân thủ quy hoạch, cho nên tầng nước ngầm trên địa bàn tỉnh đã tụt xuống sâu hơn. Nguy cơ ô nhiễm ở tầng nước nông và khả năng xâm nhập mặn ở tầng nước này tại độ sâu từ 100 đến 120 m đang hiện hữu. Tại một số địa phương như TP Cà Mau, huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, U Minh, đã có nhiều giếng nước ở tầng nước nông có dấu hiệu bị nhiễm vi sinh... Hiện nay đang là mùa khô, nước ngầm tụt xuống khá sâu, càng khai thác, các mạch nước càng cạn kiệt và tạo thành dòng chảy thông nhau. Khi một mạch nước nào đó bị ô nhiễm mặn, phèn thì có thể xảy ra lây lan sang những mạch nước khác, về lâu dài khó có thể sử dụng được.
Ðể bảo vệ, phát triển tài nguyên nước ngầm một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước phục vụ dân sinh, UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan triển khai lập Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trước mắt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cần tiến hành lập phương án xử lý, trám lấp 2.145 giếng khoan hư hỏng, không sử dụng, với nguồn dự trù kinh phí hơn sáu tỷ đồng. Công bố quy hoạch cụ thể nơi nào được phép, nơi nào cần hạn chế và nơi nào cấm triệt để khai thác nguồn nước ngầm; đồng thời quản lý chặt chẽ tổ chức, cá nhân khai thác nước ngầm. Bên cạnh đó, tuyên truyền, nhắc nhở người dân và cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm của tỉnh.
Thực hiện Chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 88,5% hộ dân được cấp nước hợp vệ sinh; hộ nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm hơn 76%... Ðến nay, phần lớn các cụm, tuyến đông dân cư, vùng đặc biệt khó khăn về cơ bản có hệ thống cấp nước sạch công cộng. Ðiều này đã làm thay đổi về nhận thức của người dân trong sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tỉnh lựa chọn, ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch tại những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, các khu tái định cư ven biển, nơi còn thiếu nước sạch sinh hoạt, nhất là vào mùa khô hạn; qua đó hạn chế khoan khai thác tràn lan giếng nước nhỏ lẻ hộ gia đình, không bảo đảm an toàn nguồn nước sạch. Cách làm này sẽ khắc phục được tình trạng khai thác tràn lan dẫn đến lãng phí, bảo vệ tài nguyên nguồn nước ngầm phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Lãng phí nguồn tài nguyên nước ngầm ở Cà Mau
Khai thác nước ngầm tràn lan với hàng nghìn chiếc giếng bị bỏ hoang đang là nguy cơ gây ô nhiễm, làm cạn kiệt tầng nước ngầm tại tỉnh Cà Mau. Trong khi đó, một bộ phận người dân đang thiếu nước sạch sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước chưa bảo đảm vệ sinh.
Người dân xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) sử dụng nước giếng khoan. |