Lễ bỏ mả là nghi lễ tiêu biểu nhất của người Raglai, thường được tổ chức vào tháng 3 - 4 hàng năm, khi mùa màng đã thu hoạch xong. Lễ hội được tổ chức mang hai ý nghĩa chính: Đối với cá nhân, gia đình, đây là lễ đưa người mất về với tổ tiên ông bà, thể hiện lòng tôn kính của người ở lại; đối với làng xã, đây là lễ hội tượng trưng, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân tộc.
Lễ bỏ mả được tiến hành bằng nhiều nghi thức như lễ nhà mồ, lễ cúng và đặt mô hình con tàu, lễ rước ông bà và vật thiêng, lễ giáp mặt tổ tiên và lễ tục chia của….
Với tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, người Raglai cho rằng, từ khi sinh ra, mỗi người luôn chịu sự tác động của thiên nhiên. Từ đó, người Raglai đã có những hành xử lễ nghi, phong tục, tín ngưỡng để phù hợp với những quan niệm đó và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Lễ bỏ mả là nét văn hóa đặc trưng, mang đậm tính nhân văn sâu sắc; là nhu cầu tâm linh trong đời sống của tộc người Raglai, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa trong kho tàng văn hóa dân gian.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Mấu Thái Cư yêu cầu các ngành, các địa phương trong huyện, các nghệ nhân, già làng, người có uy tín và cộng đồng người Raglai trên địa bàn huyện cần phát huy vai trò và trách nhiệm, tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, trong đó có phong tục bỏ mả của người Raglai.