Tăng chỉ tiêu vẫn không giảm "nhiệt"
Năm học 2014-2015, CT tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều trường THPT trên địa bàn thành phố tăng mạnh, như Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tuyển 765 CT (tăng 315 CT); Trường Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tuyển 600 CT (tăng 265 CT); Trường THPT Tân Phong tuyển 675 CT (tăng 225 CT); Trường THPT Ngô Gia Tự và Trường THPT Tạ Quang Bửu tuyển 675 CT/trường (tăng 180 CT/trường)... Ngoài ra, năm học này, thành phố có hai trường THPT mới thuộc các quận, huyện ngoại thành đưa vào tuyển sinh là Trường THPT Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) tuyển 675 CT và Trường THPT thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè) tuyển 450 CT.
Thế nhưng, cũng có một số trường giảm CT như Trường THPT Marie Curie tuyển 675 CT (giảm 420 CT); Trường THPT Trần Khai Nguyên tuyển 675 CT (giảm 45 CT); Trường THPT Gò Vấp tuyển 585 CT (giảm 135 CT)... Do vậy, theo thống kê, CT tuyển sinh ở mỗi quận, huyện năm nay chỉ tăng khoảng 300 CT, trong khi đó, số lượng HS lớp 9 thi vào lớp 10 năm nay tăng khoảng từ 500 đến 800 HS ở mỗi quận, huyện. Cụ thể, số HS lớp 9 năm nay ở quận 7 thi vào lớp 10 dự kiến có khoảng 2.300 HS (tăng khoảng 800 HS so với năm học trước); quận Bình Thạnh dự kiến có khoảng 4.000 HS (tăng khoảng 600 HS so với năm học trước); quận Gò Vấp dự kiến có khoảng 5.500 HS (tăng khoảng 800 HS)...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, do số thí sinh dự thi tăng mạnh, cộng với việc xóa bỏ hình thức xét tuyển vào lớp 10, cho nên việc "đua" vào lớp 10 công lập năm nay sẽ cam go hơn so với năm học trước. Tại buổi tọa đàm với chủ đề "Hướng đi nào cho học sinh sau trung học cơ sở?" vừa tổ chức gần đây tại Trường đại học Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tân Phú, thầy Đặng Hoàn Vũ cho biết: "CT tuyển sinh tại ba trường công lập trên địa bàn quận Tân Phú năm 2014-2015 khoảng 2.600 HS, trong khi đó tổng số HS lớp 9 năm nay có khoảng 4.600 em, như vậy còn khoảng 2.000 HS. Đó là chưa kể đến HS các quận, huyện trước đây xét tuyển như quận Bình Tân thì năm nay đều có thể dự thi vào quận Tân Phú (trước đây các em ít dự thi hơn vì nếu không đỗ sẽ mất quyền xét tuyển ở quận nhà)".
Còn nhiều hướng lựa chọn
Sau khi học xong lớp 9, hầu hết phụ huynh đều muốn con em mình thi vào lớp 10 và các bậc cao hơn. TP Hồ Chí Minh hiện có 260 trường Trung học cơ sở (THCS), trong đó có khoảng 76.000 HS lớp 9. Như vậy, sẽ có khoảng 14.000 HS rớt lớp 10 công lập (chiếm gần 20%). Vậy, đâu là sự chọn lựa của các em? Số học sinh này có thể lựa chọn nhiều con đường khác khi năm học 2014-2015, toàn thành phố có khoảng 20.000 CT vào THPT ngoài công lập; khoảng 9.000 CT vào các Trung tâm Giáo dục thường xuyên và khoảng 11.000 CT vào các trường nghề, Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Mặc dù vậy, CT của các trường ngoài công lập cũng đã giảm so với năm học trước. Chẳng hạn, Trường THPT Thăng Long tuyển 600 CT (giảm 200 CT); Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm tuyển 140 CT (giảm 140 CT); Trường THCS-THPT An Đông tuyển 320 CT (giảm 80 CT)... Bù lại, CT vào các trường TCCN, cao đẳng nghề lại tăng. Điều này phù hợp định hướng phân luồng của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thực hiện từ nhiều năm nay là 80% HS tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập; 15% vào học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung học nghề và TCCN; 5% vào THPT ngoài công lập.
Theo đó, một số trường TCCN năm nay tăng CT như Trường trung cấp (TC) Kinh tế Kỹ thuật tuyển 550 CT (tăng 350 CT); trường TC Phương Nam tuyển 550 CT (tăng 300 CT); Trường TC Mai Linh tuyển 400 CT (tăng 50 CT), Trường TC Kỹ thuật và nghiệp vụ Sài Gòn tuyển 560 CT (tăng 120 CT); Trường TC Hồng Hà tuyển 300 CT (tăng 100 CT)...
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt cho biết: "Tốt nghiệp THCS, nếu các em chọn các trường TCCN, các trường CĐ có đào tạo trung cấp thì sau khoảng ba năm rưỡi, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, lại có bằng tốt nghiệp TCCN, có thể tham gia ngay vào thị trường lao động đang cần nhiều lao động có tay nghề".
Đồng tình với ý kiến này, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP Hồ Chí Minh Thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ: "Sau THCS, nếu các em chọn học nghề, thì sau khi học nghề, các em vừa được trải nghiệm với nghề sớm hơn, vừa được học văn hóa để rút ngắn thời gian đào tạo, giảm chi phí học tập nhằm giảm chi phí cho xã hội, gia đình, cá nhân.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có ba trường đào tạo thí điểm mô hình 9+5 là Trường ĐH Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường CĐ Viễn Đông. Với mô hình này, sau khi học một năm rưỡi hệ sơ cấp nghề thì HS có thể học liên thông lên hệ TCCN ngay với thời gian tổng cộng là bốn năm. Sau đó, nếu học thêm một năm nữa, các em sẽ có bằng CĐ nghề".