Khắc họa chân dung người Anh hùng Yên Thế

NDO -

NDĐT - Đã qua hơn 100 năm qua kể từ ngày người anh hùng Hoàng Hoa Thám hy sinh (2-1913). Về ông và phong trào Yên Thế, không ít vấn đề về tiểu sử, những chiến công, sự hy sinh, những tác động và ảnh hưởng... vẫn còn bỏ ngỏ và cần có lời giải đáp thấu đáo.

Khắc họa chân dung người Anh hùng Yên Thế

TS Khổng Đức Thiêm - tác giả của cuốn sách chuyên khảo Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) đã có hơn 30 năm nghiên cứu vấn đề, đã dành nhiều công sức điều tra thực địa, sưu tầm tư liệu từ các nguồn phong phú, gặp gỡ các nhân chứng cuối cùng của cuộc khởi nghĩa... để trả lời phần nhiều những câu hỏi đó. Cuốn sách đã dựng lại khá trọn vẹn chân dung người anh hùng Hoàng Hoa Thám, “Hùm xám Yên Thế”, được nhân dân kính phục, yêu quý, che chở và những kẻ đối địch với ông nể, sợ.

Dựa trên các tư liệu mới phát hiện, đã xác định được chính xác năm sinh của Hoàng Hoa Thám là 1836 (các tài liệu khác viết các năm 1840, 1846, 1858, 1864) và quê hương ông là làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên (nhiều tài liệu khác đưa ra các địa danh Thanh Hóa, Sơn Tây, Bắc Giang).

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế mà Hoàng Hoa Thám là linh hồn lãnh đạo kéo dài gần 30 năm (1884 - 1913), trải qua 19 (trong tổng số 33) Toàn quyền và quyền Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, chống lại hơn 48.000 lượt lính tham chiến trong đó có chín chiến dịch lớn sử dụng hơn 1.000 quân (cao nhất là chiến dịch tấn công Phồn Xương tháng 1-1909, huy động tới 15.000 quân), với đủ loại sắc lính (lính thủy đánh bộ, lê dương, khố đỏ, khố xanh, lính cơ, lính dõng), thuộc đủ các binh chủng (bộ binh, thủy binh, pháo binh, kỵ binh, công binh), với đủ các vũ khí hiện đại nhất thời đó (pháo thuyền, đại bác, súng cối, súng máy, lựu đạn, bộc phá, bảng sắt chống đạn...). Nhiều cuộc tấn công quân sự thất bại khiến người Pháp hai lần phải dùng biện pháp ngoại giao để đối phó với Hoàng Hoa Thám. Những cấp cai trị cao nhất (Thống sứ Bắc kỳ, Toàn quyền Đông Dương, Khâm sai Nam triều) đã phải thương lượng với ông.

Khắc họa chân dung người Anh hùng Yên Thế ảnh 1

Phong trào Yên Thế mang nhiều nét nông dân nhưng không phải là một phong trào nông dân thuần túy. Trước hết và trên hết, phong trào Yên Thế là một phong trào yêu nước chống xâm lược, một phong trào giải phóng dân tộc. Hoàng Hoa Thám không (muốn) xưng vua, cũng không chờ vua phát lệnh hay vì vua mà khởi nghĩa. Phong trào Yên Thế cũng đã phần nào không rơi vào cô lập, cô độc - điều hay gặp ở những phong trào và thủ lĩnh nông dân. Hoàng Hoa Thám làm cho phong trào này có sức sống bền bỉ và có những tiếp cận với những xu hướng mới của thời đại. Ông đã có những tiếp xúc với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, các sĩ phu thủ lĩnh của Đông Kinh Nghĩa thục, hỗ trợ cho lực lượng Trung Quốc cách mạng đồng minh hội của Tôn Trung Sơn. Khi dựa vào địa thế hiểm yếu của vùng Yên Thế để xây dựng căn cứ chỉ huy kháng chiến, Hoàng Hoa Thám vẫn không ngừng liên kết với các địa phương khác (Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hòa Bình...) các phong trào chống Pháp khác (nghĩa quân của Bãi Sậy, Lưu Kỳ, Cai Bình, Đội Văn...) và mở rộng vành đai bảo vệ căn cứ chính. Ông có những hoạt động binh vận đặc biệt và đã thu được nhiều hiệu quả. Ông rất chú trọng rèn luyện kỹ thuật chiến đấu cho nghĩa quân (đặc biệt là khả năng bắn súng đã làm binh lính địch khiếp sợ). Ông có những chiến thuật độc đáo (phục kích, trá hàng, nghi binh) làm đối phương nhiều lần rơi vào bất ngờ và bị động. Không chỉ bó hẹp hoạt động ở địa bàn rừng núi, Hoàng Hoa Thám đã mở rộng địa bàn chiến đấu tới miền đồng bằng và đô thị. Hoàng Hoa Thám và lực lượng nghĩa quân Yên Thế đã có vai trò đặc biệt trong Khởi nghĩa Hà thành (trước đây thường (chỉ) được gọi là vụ Hà thành đầu độc) ngày 27-6-1908. Với những tư liệu mới có thể thấy mục tiêu của cuộc khởi nghĩa khá lớn và đầu độc chỉ là một biện pháp nhỏ.

Khắc họa chân dung người Anh hùng Yên Thế ảnh 2

Tư chất xuất chúng, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất và lòng yêu nước vô hạn đã làm nên một Hoàng Hoa Thám lẫm liệt với sự tôn xưng “Hùm xám Yên Thế”. Người Pháp cũng thừa nhận những người như Hoàng Hoa Thám “mỗi thế kỷ chỉ xuất hiện một lần thôi”. Đến nay, quanh Hoàng Hoa Thám vẫn còn nhiều huyền thoại. Sự hy sinh của ông cũng còn nhiều bí ẩn. Nhiều tài liệu mô tả tử thi được khám nghiệm không phải là Hoàng Hoa Thám. Viên sĩ quan Pháp Chofflet mang đôi gươm, đôi dép và ấn triện của Hoàng Hoa Thám về nhà riêng tự hào khoe khoang như những chiến lợi phẩm và đã bị ám ảnh trong thời gian dài khiến ông ta phải mang trao lại cho Viện Viễn đông bác cổ Pháp ở Hà Nội (năm 1937.)

Cuốn sách Hoàng Hoa Thám (1836 - 1913) đã được GS Phan Huy Lê đánh giá: “Đây là Tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám. Công trình là sự kế thừa và hơn nữa là sự tổng kết toàn bộ thành tựu nghiên cứu của giới nghiên cứu lịch sử trong và ngoài nước từ trước tới nay về một vĩ nhân lịch sử không chỉ đóng vai trò quan trọng về thời gian lịch sử (những năm bản lề của hai thế kỷ 19-20) mà còn là gạch nối quan trọng giữa hai khuynh hướng cứu nước - theo hệ tư tưởng phong kiến (Phong trào Cần Vương) và theo hệ tư tưởng tư sản (Phong trào Duy tân)”. GS Đinh Xuân Lâm khẳng định trong Lời giới thiệu cuốn sách: “Đây là một chuyên khảo xứng đáng được bạn đọc trân trọng đón nhận”.