Ông Phạm Khắc Hiền (trú ở phố Chùa Hà, Hà Nội) phát hiện mắc bệnh ung thư gan vào tháng 10-2016. Ngặt nghèo hơn khi ông mang khối u ác tính trong khi có tiền sử bệnh huyết áp, tiểu đường. Lo lắng như ngồi trên đống lửa, gia đình đã quyết định đưa ông Hiền vào điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô. Qua thăm khám, bác sĩ xác định khối u gan của ông có kích cỡ hơn 4 cm nên đã lựa chọn phương pháp nút động mạch.
“Đây là phương pháp khá mới ở Việt Nam nên lúc đầu cũng khá lo lắng. Qua tìm hiểu tôi thấy nhiều người đã đến đây điều trị tốt, có đội ngũ bác sĩ giỏi, tận tâm nên tin tưởng thực hiện ở đây. Qua bốn lần điều trị tôi thấy khối u không phát triển nữa, sức khỏe đã cải thiện phần nào”, ông Hiền nói và cho biết sau ba tháng phải kiểm tra tình trạng khối u một lần.
![]() |
Ông Phạm Khắc Hiền trò chuyện cùng phóng viên NDĐT. (Ảnh: ĐÌNH NA)
Tương tự như ông Hiền, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Đình Na (69 tuổi, trú tại số 27, ngõ 117 phố 8/3, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng khiến nhiều người bất ngờ về kết quả điều trị tích cực như vậy.
Tháng 6 năm 2016, sau một tai nạn bất ngờ, khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ra ông Na có u gan đường kính hơn 8cm. Khối u ác tính, có kích thước lớn nên các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô chỉ định thực hiện phương pháp nút mạch gan và truyền thuốc vào khối u. Sau ba lần thực hiện nút mạch, kết quả các xét nghiệm cho thấy tiến triển tốt, mạch không tăng sinh, u được phủ tốt vi cầu, không có dấu hiệu phát triển u.
“Điều khiến tôi thấy thoải mái nhất đó là khi thực hiện phương pháp nút mạch người bệnh không cảm thấy đau đớn mà vẫn có thể trò chuyện cùng với các bác sĩ trong quá trình thực hiện nút mạch, giúp cho người bệnh quên đi cảm giác bệnh tật”, ông Na nói.
Thắp lên hy vọng sống
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Lê Phú Tài (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô) cho biết, các bệnh nhân ung thư gan thường phát hiện và nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn, có 2 đến 3 khối u với kích cỡ lớn. Vì vậy bắt buộc phải có chỉ định rộng rãi hơn. “Chúng tôi thường xem xét các biện pháp can thiệp trước như đốt sóng cao tần nhưng chỉ thực hiện đối với những khối u nhỏ dưới 3 cm và đơn độc, đưa mũi kim vào giữa khối u để đốt cho hết. Tuy nhiên, những người bị u ác tính, không thể đốt sóng cao tần, phẫu thuật cắt bỏ khối u được thì phương pháp cô lập khối u này là cứu cánh, mang lại hiệu quả tốt”, bác sĩ Tài nói.
Khi cô lập khối u gan thì phản ứng của cơ thể là “tiếp sức” cho mạch khác nuôi khối u đó. Vì vậy, nếu không can thiệp kịp thời thì khối u lại tiếp tục phát triển. Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện phương pháp này là phải có máy chụp mạch xác định những mạch máu nuôi dưỡng khối u, lúc đó mới tiến hành nút được khối u.
![]() |
Bác sĩ Lê Phú Tài cho biết, các bệnh nhân ung thư gan thường phát hiện và nhập viện khi đã ở giai đoạn muộn, có 2 đến 3 khối u với kích cỡ lớn. (Ảnh: ĐÌNH NA)
Bác sĩ Tài cho biết: “U nang gan thì không chỉ định điều trị bằng phương pháp này nhưng u máu gan thì điều trị được và chúng tôi đã từng điều trị thành công cho một bệnh nhân có khối u máu gan kích thước 8 cm, kiểm tra không để lại di chứng gì”.
Phương pháp nút động mạch trong điều trị ung thư gan được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Ở Việt Nam thời điểm đó khó khăn về trang thiết bị nên không làm được. Hiện nay, chỉ một số ít bệnh viện lớn mới có đủ điều kiện về máy móc, thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ vững tay nghề mới thực hiện được phương pháp này như Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô, Bệnh viện Bạch Mai…
“Trong điều trị ung thư thì trên 5 năm đã được xem là thành công. Chúng tôi ghi nhận nhiều bệnh nhân điều trị bằng phương pháp nút động mạch thành công, sống khỏe mạnh tới 10 năm. Phương pháp này ưu việt hơn khi xâm lấn tối thiểu, kiểm soát được tác dụng phụ. Tất cả vật liệu nút mạch này đều rất mới. Trước đây phải dùng hạt tinh cầu có kích thước lớn khoảng 100 - 120 µm (1 µm = 1 micromet) thì giờ rút xuống còn khoảng 30 µm nên hiệu quả làm tắc mạch rất cao”, bác sĩ Tài nói và cho biết lượng bệnh nhân dồn về Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Xô khá đông.
Qua tìm hiểu được biết, hiện một số bệnh viện như: Bệnh viện K, Bệnh viện Thanh Nhàn đang đặt mua máy chụp mạch nên gửi bệnh nhân sang Bệnh viện Hữu Nghị điều trị, gửi bác sĩ sang đào tạo. Việc các bệnh viện chủ động trong việc tiếp thu phương pháp điều trị ung thư gan mới đã mở ra hy vọng điều trị thành công, giúp kéo dài sự sống cho những người mang “án tử”.