Phục hồi quần thể các loài rùa nguy cấp ở Việt Nam

Chiều 27/5, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp Tổ chức Bảo tồn rùa châu Á tổ chức hội thảo “Đánh giá hiện trạng và khả năng tái thả các loài rùa nguy cấp” nhằm phục hồi quần thể các loài nguy cấp của Việt Nam trong tự nhiên.

Một cá thể rùa tại khu cách ly của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Một cá thể rùa tại khu cách ly của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Đại diện Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện tại, các nhà khoa học đã ghi nhận sự hiện diện của 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt cùng với 5 loài rùa biển thường xuất hiện ở các vùng biển của Việt Nam.

Để bảo tồn rùa tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Minh (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị, nhiều loài rùa nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam có mức độ đa dạng di truyền cao, do đó các bộ, ngành liên quan cần có phân tích di truyền trước khi đưa về cơ sở nhân nuôi.

Tại hội thảo, các chuyên gia và các đại biểu đã thảo luận chung về những thách thức đối với công việc phục hồi quần thể hoang dã của loài tại Việt Nam; khả năng tái thả rùa Trung Bộ tại miền trung Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn rùa ở Việt Nam trong thời gian tới như: Nghiên cứu và áp dụng có hiệu quả các giải pháp khoa học và công nghệ trong bảo tồn và phát triển các loài rùa nguy cấp; tăng cường cơ chế phối hợp nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các loài rùa nguy cấp; đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ công tác bảo tồn các loài rùa nguy cấp.