Phục hồi bằng xe lăn đạp chân hỗ trợ người bị liệt có thể đi lại được

NDO -

NDĐT - Xe lăn đạp chân Profhand (tên gọi là COGY) có cân nặng 14 kg, do Nhật Bản chế tạo, giống như một chiếc xe đạp, giúp bệnh nhân bị liệt nửa người do tai biến mạch máu não, liệt do chấn thương sọ não, viêm não... có thể luyện tập, tăng sức mạnh thể chất. Vừa là một phương tiện di chuyển, xe COGY còn là dụng cụ tập luyện phục hồi chức năng tiên tiến, hiện đại, tạo cơ hội phục hồi chức năng vận động, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh và gia đình bệnh nhân.

Bệnh nhân Giáp Văn Bắc bị liệt nửa người tập luyện với xe lăn COGY.
Bệnh nhân Giáp Văn Bắc bị liệt nửa người tập luyện với xe lăn COGY.

Đây là kỹ thuật luyện tập phục hồi chức năng đã được Bộ Y tế phê chuẩn quy trình kỹ thuật phục hồi chức năng và đã được giới thiệu triển khai mô hình tập luyện này trên sáu cơ sở là các khoa, bệnh viện phục hồi chức năng trên cả nước.

Kỹ thuật phục hồi chức năng mới này nằm trong dự án thuộc Chương trình đối tác phát triển của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện trong thời gian ba năm từ tháng 3-2014 đến nay.

Đạp xe sẽ kích thích khả năng vận động của chân bị liệt

Mỗi ngày Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai duy trì phục hồi cho gần 100 bệnh nhân nội trú, và khoảng 50 bệnh nhân ngoại trú. Hiện tại, Trung tâm có bảy xe lăn đạp chân do dự án này tài trợ để phục vụ bệnh nhân đến tập luyện phục hồi chức năng vận động.

Theo TS, BS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, một trong những hậu quả nặng nề nhất mà người bệnh tai biến mạch máu não phải gánh chịu là bị liệt và phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác để di chuyển. Khi sử dụng xe lăn thông thường, bệnh nhân không sử dụng chân khiến cho cơ bắp suy yếu dần nhưng với xe COGY, bệnh nhân vừa có thể tự chuyển động bằng đôi chân của mình, vừa có thể rèn luyện để duy trì lực cơ bắp. Xe lăn đạp chân này rất tốt khi bị liệt một bên, đạp xe với một chân khỏe mạnh sẽ kích thích khả năng vận động của chân bị liệt, bài tập này sẽ giúp duy trì lực cơ và chức năng cơ.

Bệnh nhân Nguyễn Trung Nghĩa, sinh năm 1973, tại Trương Định, Hà Nội bị ngã, chấn thương cột sống. Hậu quả là anh bị liệt hai chân, không đi lại di chuyển được. Vào Trung tâm phục hồi chức năng, các bác sĩ điều trị cho anh Nghĩa bằng các phương pháp phối hợp, cùng với việc luyện tập trên xe lăn đạp chân hằng ngày, sau hơn một tháng, anh có thể tự chống nạng đi được. Theo các bác sĩ nếu tập luyện tốt ba tháng nữa, anh Nghĩa có thể tự đi lại vững hơn.

Bệnh nhân Giáp Văn Bắc, sinh năm 1962, ở Thái Bình là một trong những trường hợp điển hình tại Trung tâm được điều trị có tiến triển phục hồi tốt. Đây là bệnh nhân khá nặng, bị liệt hai nửa người do xuất huyết cả hai bên não năm 2014, ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Mỗi lần liệt bị liệt một bên. Bệnh nhân đã điều trị một đợt cách đây một tháng, đến ngày 5-12 vừa qua lại nhập viện trong tình trạng không thể tự ngồi, đứng, đi lại được, miệng bị méo, dù các phản xạ về nhận biết vẫn bình thường.

Khả năng phục hồi để có thể tự đi lại rất khó với bệnh nhân này. Kỹ thuật viên Nguyễn Hải Linh cho biết, do bị rối loạn trương lực cơ, nên bệnh nhân không thể đứng, tự di chuyển, vận động được. Tuy nhiên, do cơ vận động của bệnh nhân vẫn còn nên tập luyện với chiếc xe lăn đạp chân này, bệnh nhân có thể đi lại như bình thường.

Hy vọng phát triển mô hình phục hồi chức năng mới

Phục hồi bằng xe lăn đạp chân hỗ trợ người bị liệt có thể đi lại được ảnh 1

Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Lương Tuấn Khanh (trái) cùng chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn bệnh nhân.

Trong ba năm qua, Trung tâm đã nghiên cứu trên 60 bệnh nhân Việt Nam bị đột quỵ não. Hiệu quả dễ thấy sau 20 ngày tập là mức độ di chuyển, đi lại của bệnh nhân có cải thiện. TS, BS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng cho biết: “Có bệnh nhân không đứng được, không đi lại, có lực cơ thì nhờ các phương pháp hỗ trợ cùng luyện tập xe đạp chân có thể tự đi lại, không cần hỗ trợ. Có những ca bệnh phải có hỗ trợ của người khác, sau 20 ngày nhờ các phương pháp phối hợp đã tự chống gậy đi được...”.

Chiếc xe lăn này có cần điều khiển và bàn đạp cho người bị liệt có thể điều khiển rất dễ dàng, đặc biệt là bệnh nhân liệt nửa người. Đó là điều khác biệt hoàn toàn mà trước đây họ đã sử dụng xe lăn. Xe giúp cho người bệnh tăng sức mạnh, sức bền cơ và cần có sự phối hợp nhịp nhàng của tay cũng như chân để điều khiền xe.

Ngoài ra, sử dụng xe lăn đạp chân có thể giúp phục hồi vận động cho bệnh nhân bị liệt hai chi dưới không hoàn toàn, bệnh nhân Parkinson bị rối loạn chức năng vận động, trẻ bại não nhẹ, một số bệnh nhân cơ xương khớp...

Từ kinh nghiệm thực tế tại Nhật, xe COGY giúp phục hồi chức năng cơ thể di chuyển một cách thoải mái, rất phù hợp với bệnh nhân bị liệt nửa người, tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống. Với thuận lợi của địa hình, bệnh nhân có thể tự đi siêu thị, lên xe buýt, đến các nơi công cộng... Với sự hợp tác chặt chẽ của Bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Miyagi, Công ty TESS, Đại học Sendai, Global Clinic Sendai, Tổ chức re:terra, Công ty Tepia, Dự án “Đào tạo nhân lực phục hồi chức năng và phát triển mô hình phục hồi chức năng sử dụng xe lăn đạp chân tại Việt Nam” đã được triển khai hiệu quả và đáng ghi nhận.

Đó là, từ tháng 1-2015, Bộ Y tế Việt Nam đã cấp chứng nhận cho xe lăn đạp chân sử dụng trong Dự án là dụng cụ phục hồi chức năng mới - bước mở đầu cho việc tạo lập môi trường phục hồi chức năng sử dụng COGY.

TS, BS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm cho biết thêm: Chương trình của dự án cũng đưa 25 bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên của Trung tâm sang Nhật Bản, tham gia các khóa đào tạo hướng dẫn người bệnh tập luyện với xe lăn đạp chân, để ứng dụng mô hình này phục vụ người bệnh phục hồi chức năng tại Việt Nam. Ngoài hỗ trợ xe lăn đạp chân, chương trình cũng trang bị cho Trung tâm phục hồi chức năng nhiều trang thiết bị như thang máy, máy điện cơ, máy kích thích điện...

Cũng nằm trong chương trình dự án, ngoài Bệnh viện Bạch Mai, xe COGY còn được trao tặng cho sáu bệnh viện sau, mỗi bệnh viện một chiếc: Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hải Phòng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Đà Nẵng, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Điều trị Bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Phục hồi Chức năng Hà Tĩnh. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 bệnh nhân được sử dụng xe COGY trong phục hồi chức năng.

Sau khi Dự án kết thúc, Bệnh viện Bạch Mai, với tư cách là đơn vị chủ trì, sẽ tiếp tục duy trì hoạt động xây dựng môi trường hỗ trợ nhiều bệnh nhân được phục hồi chức năng, hướng tới việc áp dụng bảo hiểm y tế cho phương pháp trị liệu phục hồi chức năng bằng COGY.

Ông Kenji Suzuki, Giám đốc Công ty TESS, công ty sản xuất xe lăn cho biết: “Do điều kiện địa hình ở Việt Nam và Nhật Bản khác nhau. Chúng tôi có thể nghiên cứu địa hình của Việt Nam để điều chỉnh phù hợp giúp cho bệnh nhân sử dụng vượt chướng ngại vật dễ dàng hơn và chi phí mua rẻ hơn”. Hiện tại Nhật Bản, chiếc xe lăn đạp chân này có giá khoảng 3.000 USD. Hiện, công ty đang nghiên cứu thị trường và tìm kiếm đại lý phân phối tại Việt Nam.

Xe lăn COGY hy vọng sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, và trở thành công cụ tập luyện, di chuyển hữu ích cho người bệnh.

Xe lăn đạp chân (COGY) được nghiên cứu phát triển bởi nhóm tác giả Handa, Khoa Nghiên cứu Y học, Đại học Tohoku vào năm 2010. Hiện đã có khoảng 6.000 xe được bệnh nhân sử dụng trên nước Nhật. Trong số đó, ½ là xe dành cho cá nhân sử dụng tại nhà, ½ là dành cho các cơ sở y tế, trung tâm phục hồi chức năng. Đặc tính xe chuyển động nhờ lực tác động của đôi chân người ngồi trên xe lăn. Hướng chuyển động được điều khiển bằng cần điều khiển bên tay lành của người ngồi trên xe (có thể thay đổi trái phải tùy theo tình trạng liệt của người bệnh). Xe có đồng hồ công tơ mét theo dõi quãng đường di chuyển. Thiết bị trợ lực giúp người khuyết tật (liệt) có thể thoải mái di chuyển theo ý muốn với khả năng hạn chế còn lại sau khi bị liệt do tai biến mạch máu não.