Khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa
Trên hai tuyến quốc lộ 25, 29 qua các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Sông Hinh có nhiều vị trí hư hỏng nền, mặt đường với tổng chiều dài gần 24km và 3km đường tỉnh lộ được bố trí 16 mũi của 10 đơn vị thi công. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các mũi thi công hoạt động liên tục, đảm bảo hoàn thành vượt tiến độ, đề phòng mưa lũ về sớm.
Ông Huỳnh Ngọc Phúc, giám sát công trình, Công ty Tư vấn xây dựng AKT cho biết: “Thường xuyên có mặt trên các công trường theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng thi công và chỉ đạo đơn vị phải đảm bảo tiến độ, an toàn tại công trình”
Cùng với sửa chữa nền, mặt đường, việc thanh thải, nạo vét luồng tuyến, phát dọn cây, sơn kẻ tim đường trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng được triển khai khẩn trương, rộng khắp. Ông Đinh Đăng Viễn, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho hay: “Mặc dù tiến độ hợp đồng hoàn thành trong tháng 10, nhưng chúng tôi thường xuyên đôn đốc các đơn vị hoàn thành công trình trong tháng 9, sớm hơn 1 tháng, tránh mưa lũ bất thường”.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên, đến thời điểm này, công tác sửa chữa định kỳ trên các tuyến quốc lộ (ủy quyền) đã cơ bản hoàn thành, thảm bê tông nhựa khoảng hơn 24km. Trên các tuyến tỉnh lộ, phần sửa chữa mặt đường cũng hoàn thành (2,88km) và đang gia cố lề đường và rãnh dọc. Công tác vá ổ gà được thực hiện liên tục, đạt hơn 92% khối lượng, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là các đoạn xung yếu.
Ngoài đẩy nhanh tiến độ, các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình thi công được ngành giao thông tỉnh Phú Yên đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, đề phòng diễn biến khó lường của thời tiết, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, sẵn sàng chủ động xử lý tình huống, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Cảnh báo nguy cơ mất an toàn
Ông Huỳnh Gia Hoàng, Phó Giám đốc Sở giao thông vận tải tỉnh Phú Yên cho biết, tại các vị trí nguy cơ cao sạt lở taluy, khu vực thường xuyên bị sạt lở vách núi, đá lăn đã được lắp đặt các biển cảnh báo đá rơi, sạt lở để cảnh báo cho người và phương tiện tham gia giao thông biết. Cũng theo ông Hoàng, trước mùa mưa bão, sở đã yêu cầu Ban Quản lý dự án bảo trì đường bộ và nhà thầu bảo trì đường bộ tập kết các biển báo, hàng rào chắn gửi các nhà dân gần nơi thường xuyên bị sạt lở để thực hiện rào chắn nhanh nhất, cảnh báo không cho người và phương tiện qua lại khi sạt lở xảy ra.
Đối với một số vị trí nguy cơ phát sinh sạt lở mới, khó lường trước, gây khó khăn cho công tác phát hiện, cảnh báo và đảm bảo giao thông, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu đơn vị bảo trì đường bộ báo cáo kế hoạch huy động vật tư dự phòng, thiết bị, nhân lực cụ thể để phục vụ vào mùa mưa bão tại từng Hạt đường bộ, xử lý kịp thời các vị trí sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường do đơn vị được ủy quyền quản lý.
Cụ thể là nguy cơ đá lăn đoạn đường đèo vào Vũng Rô, trước mùa mưa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên đã kiểm tra và bố trí các biển báo cảnh báo đá rơi qua các đoạn tuyến thường xuyên xảy ra sự cố tại một số vị trí trong đoạn Km0+00-Km1+800, Km3+400-Km3+800, Km4+500-Km5+300, Km5+970-Km6+700, Km7+400-Km7+750, Km9+255-Km11+290, Km11+700-Km12+390/QL.29. Trong mưa lũ, khi có sự cố, sẽ huy động ngay thiết bị để xử lý đảm bảo giao thông bước 1.