Phủ xanh Măng Đen

Mưa lâm thâm suốt những tháng qua ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Thời tiết thuận lợi để nhiều người trẻ từ khắp nơi đến cao nguyên trồng cây, gây rừng. Từ lời kêu gọi “Phủ xanh Măng Đen”, rất nhiều tình nguyện viên đang ngày qua ngày, hành động góp phần giữ xanh rừng Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm Phủ xanh Măng Đen trong một buổi trồng rừng.
Nhóm Phủ xanh Măng Đen trong một buổi trồng rừng.

Các tình nguyện viên đủ mọi lứa tuổi, luôn sẵn sàng lặn lội vượt đèo đến với Măng Đen theo lịch hẹn trước. Họ lặng lẽ, cần mẫn góp phần tạo ra những cánh rừng tương lai bằng đôi tay và tấm lòng.

Nhật ký gieo rừng

Đến Măng Đen trong hành trình du lịch xuyên Việt, chị Trương Hải Yến (chị Cỏ) dù luôn ấp ủ sống gần gũi với thiên nhiên vẫn không nghĩ rằng mình sẽ quyết định ở lại mảnh đất này lâu dài. Nhưng khí hậu, con người, thiên nhiên nhất là những cánh rừng ở cao nguyên đã đem đến sức hút kỳ lạ. Và khi gặp nhiều người khác có cùng suy nghĩ, chị quyết định ở lại, sinh sống và trồng cây để phủ xanh Măng Đen. “Mới đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản: Trồng một cây là tốt một cây. Sau lại có thêm nhiều người cùng mục tiêu, rồi có thêm một ngày để trồng cây. Lúc này, mình lại hy vọng xa hơn là tạo ra những cánh rừng trong tương lai”, chị Cỏ chia sẻ.

Có lẽ cũng chính từ sự đồng điệu đó mà chị Cỏ và anh Phạm Văn Quyết, quê Nam Định, cũng là một người yêu thiên nhiên và mải miết với trồng rừng đã nên duyên vợ chồng ngay tại mảnh đất Măng Đen. “Tháng 6/2021, hai đứa quyết định thành lập nhóm “Phủ xanh Măng Đen” và kêu gọi thêm tình nguyện viên, nhà tài trợ... thông qua mạng xã hội. Muốn gieo “hạt mầm xanh” - hành động trồng cây đến xa hơn, rộng hơn thì cần có nhiều người cùng chung tay làm”, chị Cỏ kể. Cứ như vậy, nhóm dần có thêm hàng chục tình nguyện viên là người bản địa cùng trồng cây vào mỗi thứ năm hằng tuần; còn với khách đường xa có thể tham gia vào chủ nhật, cứ hai tuần một lần. Năm 2021, nhóm cùng người dân và chính quyền địa phương hoàn thành trồng hơn 20.000 cây ở nhiều khu vực quanh thị trấn Măng Đen.

Mục đích đầu tiên và duy nhất của Phủ xanh Măng Đen là hành động để trồng cây. Muốn vậy, “Phải trả lời được ba câu hỏi: Ai trồng? Trồng ở đâu? Kinh phí như thế nào?”, chị Cỏ nhấn mạnh. Khi kêu gọi tình nguyện viên thành công, chị và những người bạn đồng hành tiếp tục tìm lời đáp cho hai câu hỏi còn lại. “Biết việc chính quyền thị trấn Măng Đen rất muốn đẩy mạnh trồng rừng cho nên nhóm tìm hiểu nhu cầu phủ xanh các khu đồi trọc, đường trống thuộc quản lý của Nhà nước; sau đó đồng hành, phối hợp các ban, ngành trồng cây. Mỗi thứ năm hằng tuần, thành viên trong nhóm sẽ đi trồng cùng cán bộ, viên chức các cơ quan, đơn vị của thị trấn”, anh Quyết kể. Chưa dừng lại, nhóm tiếp tục kết nối đến xóm, bản; vận động người dân có đất trống thuộc sở hữu riêng tham gia trồng cây, gây vườn. Nhóm hỗ trợ nguồn cây giống tốt, phù hợp; tư vấn kỹ thuật trồng cây trên đất cá nhân theo các mô hình vườn rừng; thậm chí nếu cần sẽ hỗ trợ công trồng.

Cuối cùng là vấn đề quan trọng nhất: Tìm nguồn kinh phí. Mới đầu thành lập, khi “Phủ xanh Măng Đen” kêu gọi trên mạng xã hội, chị Y Trang, chủ một homestay quyết định tài trợ toàn bộ số tiền mua 10.000 cây giống: “Mình là người sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Măng Đen. Mong muốn trồng cây đã ở trong tiềm thức cho nên khi biết đến “Phủ xanh Măng Đen”, mình không ngại ngần hỗ trợ vì biết, họ làm việc xuất phát từ tâm”. Cứ vậy, niềm tin được nhân lên, sau các đợt trồng cây thành công, rất nhiều nhà tài trợ khác hưởng ứng, ủng hộ nhóm từ cây giống, tiền mặt... Tuy nhiên, hiểu rõ việc trồng rừng là một hành trình dài hơi, không thể xong trong một sớm một chiều, chị Cỏ, anh Quyết tiếp tục thực hiện những dự án bên lề nhằm gây quỹ bền vững, duy trì hành động phủ xanh một cách lâu dài.

Hai người chọn một địa điểm vừa là nơi đặt đại bản doanh của nhóm, vừa có thể thực hiện các chiến dịch tìm nguồn quỹ. Xanh quán - một quán cà-phê và bán thức uống bản địa ra đời với nhiệm vụ “1 sản phẩm, 1 cây xanh”, nghĩa là khi bán đi một sản phẩm thì sẽ có kinh phí gây quỹ, tương đương với chi phí trồng một cây xanh. Các sản phẩm ở Xanh quán đều có tính bản địa Măng Đen, gắn với đời sống người dân tộc thiểu số địa phương như gạo đỏ lức vùng cao, măng nứa, rau củ quả sạch, dược liệu... Việc kết nối bán hàng này sẽ hữu ích cho ba việc: Tạo thu nhập cho đồng bào địa phương; duy trì nguồn Quỹ “Phủ xanh Măng Đen”, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh miền đất mến khách của Kon Tum đến khách du lịch.

Bên cạnh ý tưởng “1 sản phẩm, 1 cây xanh”, dự án “Bông xanh 0đ” cũng được thực hiện với việc “Phủ xanh Măng Đen” cho ra đời “Góc vườn nhỏ”, một khu vườn ươm nằm trong khu vực 37 hộ được chủ đất cho mượn miễn phí. Đây là nơi anh Quyết dùng để ươm cây, ươm hạt, tập kết cây xanh, cây dược liệu để tặng những ai yêu thích và mong muốn trồng cây. Dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần người nhận chủ động đến Xanh quán hoặc liên hệ qua fanpage là có thể nhận được đa dạng các loại cây giống như: Thông 3 lá, hương thảo, húng chanh, cúc thân gỗ, một số hạt giống được nhóm tự ươm trồng... “Đem tặng cây giống là cách để chúng mình lan rộng mong muốn trồng cây. Lúc đó, ai cũng có thể làm xanh khu vườn, khu rừng của riêng mình, dù ở bất cứ đâu chứ không chỉ riêng Măng Đen”, anh Quyết nhấn mạnh.

Phủ xanh Măng Đen ảnh 1

Các tình nguyện viên từ nhiều nơi đến Măng Đen trồng rừng.

Du lịch có trách nhiệm

Những ngày cuối tháng 9, giữa tháng mùa mưa cao điểm ở Măng Đen, Loan Bùi cùng 14 đồng nghiệp từ Thành phố Hồ Chí Minh bắt xe khách mất 14 tiếng lên Xanh quán để trồng rừng cùng “Phủ xanh Măng Đen”. Đây là lần thứ ba cô gái trẻ làm việc ở Quận 1 quyết định dành thời gian rảnh để trồng cây, phủ xanh đồi trọc: “Mình có niềm đam mê riêng với thiên nhiên, cây cối. Lần đầu đến Măng Đen chỉ là chuyến du lịch ngắn ngày vào tháng 6, biết đến “Phủ xanh Măng Đen” nhưng chưa có duyên.

Tháng 8, mình quay lại du lịch dài ngày hơn và tận dụng thời gian để hai lần cùng anh Quyết, chị Cỏ trồng cây. Còn dịp này, mình đến cùng nhiều bạn khác chỉ với một mục đích là trồng rừng”, Loan Bùi chia sẻ. Những người trẻ ở thành phố như Loan nhờ vậy mới học được kỹ thuật trồng cây như cách tháo bầu, độ rộng sâu của hố trồng, khi lấp đất thì không được cao khỏi cổ cây, không nén chặt... Nhưng quan trọng hơn cả, theo Loan, việc trồng rừng ngoài kết quả trực tiếp là phủ xanh đất trọc thì còn gián tiếp lan tỏa để mọi người chung tay giữ và bảo vệ rừng.

Từ đó, ý tưởng lan tỏa tình yêu rừng của “Phủ xanh Măng Đen” qua hoạt động du lịch có trách nhiệm, đưa hoạt động trồng rừng dễ dàng đến với khách du lịch, được thực hiện. Chị Cỏ kể: “Chúng mình từng là du khách, yêu Măng Đen một cách trong sáng. Khoảng thời gian ở lại đã ít nhiều giúp người phương xa có thêm niềm tin yêu con người, cuộc sống, thiên nhiên và đau đáu để lại gì trong thời gian sống, vui chơi và làm việc ở đây”.

Với suy nghĩ đó, “Phủ xanh Măng Đen” luôn chủ động thuyết phục khách tham quan thử tham gia trải nghiệm trồng rừng; chuẩn bị nơi ở miễn phí cho các tình nguyện viên từ xa đến... Với những nỗ lực hết mình đó, rất nhiều du khách lần đầu đến Xanh quán đã tình nguyện tham gia trồng rừng. Họ mong muốn chuyến trải nghiệm chỉ ít ngày của mình có ý nghĩa hơn cho mảnh đất Măng Đen.

Loan Bùi cho biết: “Em ấn tượng nhất là hình ảnh người bố cùng cô con gái nhỏ tuổi, lặn lội từ Quảng Ngãi lên Măng Đen chỉ để trồng rừng. Đó là một hình ảnh truyền cảm hứng cho bản thân em và rất nhiều bạn khác”. Làm du lịch xanh nhiều năm ở Măng Đen, chị Y Trang nhấn mạnh: “Trong khi việc đô thị hóa quá nhanh thì việc khách du lịch chọn trở về với thiên nhiên cũng là cách để chữa lành tâm hồn. Vì lẽ đó nhiều người chọn thay vì đi du lịch thuần túy thì đến Măng Đen để góp phần tái tạo rừng cũng là cách để góp phần giữ thiên nhiên mãi trong lành. Quan trọng hơn cả, điều này lặp đi lặp lại sẽ tạo ra một cộng đồng trồng rừng đích thực”.

Hiện tại, bên cạnh mục tiêu chính là trồng rừng, nhóm “Phủ xanh Măng Đen” còn có các hoạt động kết nối xanh như thường xuyên tổ chức nhặt rác, làm sạch môi trường; giúp đỡ trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số bản địa thông qua kêu gọi tài trợ sách, vở, bút..., trao quà Trung thu, đèn lồng tái chế từ vỏ lon bia tặng trẻ em các trường bán trú trên toàn huyện Kon Plông. Đáp lại, các thầy cô trong trường đã chung tay cùng nhóm chia sẻ với các học sinh những thông điệp về tình thương, ý nghĩa của việc trồng cây, giảm và phân loại rác thải; với mong muốn các em sẽ ươm mầm chồi xanh cho gia đình và cộng đồng.

Những con người vốn từ nơi xa đến, nay đã là cư dân thực thụ, cần mẫn và thầm lặng gắn bó sâu đậm với Măng Đen, với rừng xanh. Anh Quyết và chị Cỏ giờ đã có em bé. Tình yêu thiên nhiên của bố và mẹ cùng Xanh quán hay Vườn ươm, cũng như những vạt đồi nhỏ dần được phủ xanh chỉ trong 2 năm qua, sẽ là món quà đầu đời vô giá mà anh chị dành tặng cho đứa con yêu.

Chia tay chúng tôi, chị Cỏ kể về câu chuyện người chăn cừu Elzeárd Bouffier trong cuốn “Người trồng rừng” của Jean Jorno, với ý chí bền bỉ đã nỗ lực trồng từng cây xanh nhỏ, để rồi tái tạo cả một thung lũng hoang vắng ở vùng Alpes-Provence thành rừng. Ước vọng về một tương lai xanh mãi xanh của núi rừng Măng Đen chắc chắn sẽ sớm thành hiện thực với những con người đáng quý và trân trọng như vậy.