Phú Thọ thiếu trầm trọng phòng học bậc mầm non

NDO -

NDĐT - Theo ngành giáo dục tỉnh Phú Thọ, năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh hiện có 132 trường mầm non thiếu phòng học, trong đó, có 352 phòng học nhờ và 22 phòng học tạm với 7.860 trẻ phải học nhờ dẫn đến chất lượng dạy và học của các em cũng bị ảnh hưởng.

Nhiều trẻ em xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê phải học nhờ, học tạm trong các nhà văn hóa của khu dân cư.
Nhiều trẻ em xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê phải học nhờ, học tạm trong các nhà văn hóa của khu dân cư.

Trường Mầm non xã Ngô Xá, huyện Cẩm Khê có bốn lớp đang phải học nhờ ở nhà văn hóa khu dân cư và nhà điều hành của nhà trường. Điều kiện phòng học không bảo đảm về diện tích, ẩm thấp khiến việc dạy và học của cô trò đều bị ảnh hưởng.

Cô giáo Nguyễn Thị Chung, Hiệu trưởng nhà trường trăn trở: “Năm nay số học sinh ra lớp tăng 98 cháu nên số phòng học đã thiếu nay còn thiếu nhiều hơn, do đó việc tổ chức học bán trú gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc thiếu phòng học dẫn đến đồ dùng học tập của các cháu không bảo đảm đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các cháu. Nhà trường mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất cho nhà trường để các cháu được học tập và sinh hoạt trong một môi trường bảo đảm, nhà trường cũng đỡ vất vả trong việc quản lý giáo viên và học sinh tại các điểm học nhờ…”.

Ông Hồ Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngô Xá cho biết, tình trạng thiếu phòng học cho trẻ mầm non diễn ra đã nhiều năm nay. Trước mắt xã đành phải cho các cháu học tại hội trường thôn. Hiện, xã cũng đã quy hoạch đất để mở rộng diện tích trường mầm non nhưng kinh phí xây dựng lại không có. Là xã nghèo nên việc tự đứng ra xây trường học bảo đảm chất lượng phục vụ cho nhu cầu chính đáng của nhân dân là điều rất khó thực hiện. Vì vậy việc phấn đấu đạt chuẩn quốc gia của Trường Mầm non xã Ngô Xá rất khó khăn.

Ông Ngô Hữu Trí, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê cho biết, năm học này, số lượng học sinh vào lớp tăng so với năm học trước là 19 nhóm lớp trong khi cơ sở vật chất, trường lớp không đáp ứng được dẫn đến tình trạng học sinh mầm non phải học nhờ. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn nữa đến xây dựng cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu ra lớp của trẻ.

Còn tại huyện miền núi Thanh Sơn tình trạng học sinh mầm non phải học nhờ, học tạm tại các nhà văn hóa, hội trường thôn cũng diễn ra phổ biến. Toàn huyện hiện có 28 lớp mầm non đang học nhờ, trong đó có 24 lớp học nhờ nhà văn hóa các khu dân cư, bốn lớp học nhờ nhà ở giáo viên của các trường tiểu học.

Có mặt tại xã Yên Lãng, chúng tôi được biết, trường không đủ phòng học, 25 cháu lớp bốn tuổi được xếp vào học nhờ tại nhà văn hóa khu. Lớp học phòng đã hẹp lại càng trở nên chật chội do một phần diện tích phải nhường để xếp bàn ghế, vật dụng của nhà văn hóa khu. Đều đặn mỗi lần khu có hội họp, đồ dùng học tập của các cháu phải dọn đi, hôm sau các cô lại đến sớm kê xếp lấy chỗ lên lớp.

Phú Thọ thiếu trầm trọng phòng học bậc mầm non ảnh 1

Theo quy định, phòng học lớp mầm non phải có nhà vệ sinh khép kín, nhưng vì là nhà văn hóa thôn nên nhu cầu vệ sinh của các cháu bắt buộc phải dùng… bô.! Năm 2012, trường mầm non Yên Lãng chuyển từ khu Đông Thịnh về trụ sở cũ của UBND xã. Tiếp nhận các phòng ban làm việc của trụ sở UBND làm phòng học nên tiêu chuẩn không thể phù hợp với quy định là điều khó tránh khỏi. Trường có 13 phòng học thì có tới 10 phòng không bảo đảm tiêu chuẩn, diện tích không đạt 58m2, không có phòng hoạt động chung, phòng vệ sinh, phòng ngủ, kho riêng… Hiện tại, trường còn bốn lớp đang phải học nhờ nhà văn hóa khu và phòng ở cho giáo viên trường tiểu học ở khu Né, khu Đông Thịnh, khu Đành…

Cô giáo Trần Thị Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường mầm non xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn cho biết: Lớp học tạm không đáp ứng các yêu cầu theo quy định của phòng học mầm non nên trường không thể tổ chức cho các cháu học bán trú. Khu dân cư tạo điều kiện cho trường chỉ tổ chức hội họp vào thứ 7, chủ nhật nhưng nhiều khi có việc họp đột xuất, lớp vẫn phải nghỉ học. Biết là thiệt thòi cho các cháu nhiều nhưng khả năng nhà trường có hạn nên đành “lực bất tòng tâm. Điều này rất ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Trong phòng học, các khu không được chia tách mà mọi hoạt động ăn, học, ngủ đều diễn ra trong một diện tích chật hẹp. Nhà vệ sinh cũng thiếu thốn nên cô và trò đều phải tự khắc phục…

Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhất là các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập bằng những chính sách như giao đất sạch, miễn giảm thuế… Về chuyên môn, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn, những nơi có phòng học nhờ, học tạm phải bảo đảm chương trình giáo dục mầm non, thực hiện đúng học hai buổi/ngày. Động viên các giáo viên dạy tại các lớp học nhờ, học tạm khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm và phát huy tối đa sự sáng tạo để việc chăm sóc giáo dục trẻ được đảm bảo chất lượng tốt nhất…

Với những nỗ lực trên, hy vọng trong tương lai gần, tình trạng học sinh mầm non phải học nhờ, học tạm ở các nhà chức năng, nhà văn hóa hay hội trường thôn sẽ dần được xóa bỏ. “Thế hệ tương lai của đất nước” sẽ được chăm sóc, học tập trong một môi trường bảo đảm để có thể phát triển một cách toàn diện cả về thể lực và trí lực.