Những ngày này, dọc các tuyến đường quê xã Phú Thuận rợp cờ Tổ quốc. Người dân treo cờ mừng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và xã nhà sắp được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Phú Tân.
Ông Huỳnh Minh Thắng (71 tuổi), nông dân có 25 công đất nuôi trồng thủy sản tại ấp Đất Sét cho tổng thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật để sản xuất đa canh, có nhiều nguồn thu trên cùng diện tích đất canh tác. Trong khu đất 25 công, dành riêng hơn 5 công để lập vườn, canh tác hệ ngọt. Cụ thể, khu vực nước mặn, gia đình ông Thắng nuôi tôm sú kết hợp với cua, cá biển. Còn trong khu vườn, đào nhiều ao nuôi các loại cá nước ngọt; trồng nhiều loại rau màu, cây ăn trái và xây dựng hơn 100 chuồng để nuôi chồn hương.
"Nông dân ở quê bây giờ muốn canh tác gì cũng phải nắm vững kỹ thuật, đa canh nhiều thứ, "lấy ngắn nuôi dài". Các mô hình cây trồng, vật nuôi cũng phải hỗ trợ lẫn nhau để tiết kiệm chi phí…, giúp hiệu quả tốt nhất. Chỉ riêng việc bán chồn giống và chồn thịt, mỗi năm gia đình tôi thu lời hơn nửa tỷ đồng", ông Huỳnh Minh Thắng cho hay...
Đất Sét là một trong sáu ấp của xã Phú Thuận. Vùng quê này không có chợ nhưng người dân bày bán khá nhiều nông sản do tự mình làm ra, từ tôm, cua, cá, rau đến các loại trái cây… Xe hơi cũng có thể chạy từ đầu làng đến cuối ấp. Dọc mé lộ còn được người dân làm bờ kè bảo vệ chống sạt lở bằng nhiều cách thức khác nhau và trồng nhiều loại hoa rất đẹp. Vào ban đêm, dọc tuyến lộ sáng rực nhờ hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời…
Theo bà Nguyễn Thị Vân, Bí thư Chi bộ ấp Đất Sét, đến cuối năm 2024, Đất Sét không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt 75,6 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (72,6 triệu đồng). Nông dân địa phương phát huy tốt bản tính siêng năng, cần cù trong lao động, tích cực hưởng ứng và thực hiện các chủ trương hay từ cấp trên triển khai xuống cơ sở. Nhờ đó mà đời sống của người dân trong vùng không ngừng được cải thiện, nâng cao, góp phần xây dựng vùng quê ngày thêm giàu đẹp...
Phú Tân, một trong sáu huyện ven biển của tỉnh Cà Mau, giáp Vịnh Thái Lan, được tái lập đầu năm 2004 trên cơ sở chia tách từ huyện Cái Nước.
Để thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nhanh và thực chất, suốt thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân đã tìm hiểu, nghiên cứu để ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật là Nghị quyết số 02-NQ/HU về "phân công tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chịu trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo"; Nghị quyết số 03-NQ/HU về "phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân tận dụng sân, vườn, bờ líp, bờ bao vuông tôm để trồng cây ăn trái, rau màu và sạ-cấy lúa tăng thu nhập"; Nghị quyết số 04-NQ/HU về "giao trách nhiệm cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của hộ gia đình, gắn với xây dựng đô thị văn minh"; Nghị quyết số 09-NQ/HU về "bảo vệ, duy tu, sửa chữa và kè chống sạt lở các công trình giao thông bộ"…
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Thuận, Tô Chí Nhựt, nông dân trong xã nhiều khi không nhớ ai là người ký ban hành, có khi cũng không nhớ nghị quyết số mấy, nhưng khi kêu làm theo bằng những việc cụ thể, thiết thực với cuộc sống hằng ngày của bà con thì ai cũng tích cực hưởng ứng.
Theo lộ trình, Phú Tân đang nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu để đến cuối năm 2025 được công nhận huyện nông thôn mới, hoàn thành một trong nhiều mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ 2020-2025 mà huyện đã đề ra. Để đạt mục tiêu này, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn vốn khác nhau để hoàn thiện các "tiêu chí cứng", Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân tiếp tục lồng ghép, phát động các tầng lớp nhân dân địa phương thực hiện các nghị quyết đã triển khai và có sức lan tỏa mạnh trong dân, góp phần giữ vững và nâng chất các "tiêu chí mềm" ở từng xóm, ấp.
Đến giờ, người dân đã nhận ra, các nghị quyết mà huyện đã triển khai thời gian qua để lồng ghép với quá trình xây dựng nông thôn mới là giúp bà con hết nghèo, giúp bà con siêng năng hơn, có nếp ăn, cách ở, cách sinh hoạt… khoa học, văn minh hơn.
Nhiều nơi ở ấp, ở xã, nhìn vào hàng rào cây kiểng xanh tốt, bà con nhớ đến Nghị quyết số 04; nhìn hộ nghèo thoát nghèo thì nhớ Nghị quyết số 02; thấy rau màu, cây trái phủ xanh bờ hoang, liếp trống thì biết liền là Nghị quyết số 03; đứng cạnh bờ kè ven sông, lộ làng tươm tất thì nhớ ngay đến Nghị quyết số 09...