Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam giao nhiệm vụ chủ trì triển khai Ðề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (gọi tắt là Ðề án) trên địa bàn tỉnh. Qua 7 năm thực hiện, đến nay, toàn tỉnh đã có 95% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước về khởi nghiệp; hơn 100 ý tưởng/dự án được các cấp Hội Phụ nữ hỗ trợ; 249 nữ chủ doanh nghiệp, nữ tham gia quản lý doanh nghiệp mới thành lập được hỗ trợ kiến thức về sản xuất, kinh doanh, quản lý điều hành, quản lý tài chính, marketing, lập website bán hàng, quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, thương mại điện tử; 32 mô hình hợp tác xã, 14 tổ hợp tác được các cấp hội hỗ trợ thành lập; 1.248 thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được kết nối vay vốn đạt 44 tỷ đồng từ các nguồn vốn.
Nhiều ý tưởng đã thể hiện rõ tính đổi mới, sáng tạo, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, sản phẩm làng nghề... đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng; tạo động lực, khuyến khích phụ nữ ở mọi tầng lớp, lứa tuổi tích cực tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho cá nhân, gia đình, thực hiện bình đẳng giới.
Tại hội thi “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024, Ban tổ chức đã trao 12 giải cho các dự án có thành tích xuất sắc vào vòng chung kết (gồm 1 Giải nhất, 2 Giải nhì, 3 Giải ba, 6 Giải khuyến khích). Giải nhất được Ban tổ chức cuộc thi trao cho ý tưởng Dự án “Sản xuất sản phẩm trà sen và các sản phẩm từ hoa sen, hoa súng” của chị Trần Thị Thu Thủy, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý.
Chia sẻ về tính đổi mới, sáng tạo trong dự án của mình, chị Thủy cho biết: “Sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, tôi đã quyết định lựa chọn kỹ thuật canh tác sinh thái thông minh cùng với phát triển hệ thống sản xuất khép kín áp dụng công nghệ sấy thăng hoa để bảo quản sản phẩm ở điều kiện tự nhiên giúp sản phẩm trà giữ được nguyên mầu, nguyên mùi. Mô hình kết hợp sản xuất và du lịch sinh thái tạo ra chuỗi giá trị cao trong sản xuất ở địa phương cũng như mang lại sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao”.
Chị Trần Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam cho biết: Nổi bật nhất trong triển khai thực hiện Ðề án là Hội thi phụ nữ khởi nghiệp được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tham gia. Chủ đề, hình thức tổ chức hội thi qua các năm đều được đổi mới phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước, của tỉnh, với sự phát triển của khoa học-công nghệ, bắt kịp nhu cầu của hội viên phụ nữ.
Việc triển khai hiệu quả Ðề án đã khơi dậy tiềm năng, nhiệt huyết, trí tuệ, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ Hà Nam trong hành trình khởi nghiệp; tạo động lực mạnh mẽ cho phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế đa dạng để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Năm 2024, với chủ đề “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, được các cấp Hội Phụ nữ phát động từ trung tuần tháng 8, đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của nhiều đối tượng phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với 17 ý tưởng/dự án dự thi. Chủ thể tham gia dự thi đến từ nhiều thành phần khác nhau, trong đó có 53% là phụ nữ khởi nghiệp; 17,6 % là doanh nghiệp; 29,4% là hợp tác xã, tổ hợp tác.
Các ý tưởng/dự án tham gia thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, chế tạo sản phẩm, kinh doanh, dịch vụ; tập trung vào những sáng kiến trong sản xuất nông nghiệp an toàn; sử dụng hiệu quả tài nguyên bản địa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; các sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường, giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng, mục tiêu là phát triển kinh tế, bảo đảm bền vững về môi trường, giải quyết những vấn đề cấp bách, cần thiết của xã hội và tạo ra giá trị thực tiễn cho cộng đồng, mục tiêu là phát triển kinh tế bảo đảm bền vững về môi trường.
Qua đó, nâng cao nhận thức của phụ nữ về nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Ðồng chí Ðinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam cho rằng: Trong bối cảnh “chuyển đổi xanh” đã trở thành xu thế tất yếu, là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế vì sự thịnh vượng toàn diện của quốc gia nói chung, sự phát triển bền vững của tỉnh nói riêng. Tôi đánh giá cao ý tưởng chủ đề “Phụ nữ Hà Nam khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” với mục tiêu không chỉ thúc đẩy khởi nghiệp mà còn hướng tới tạo ra các sản phẩm, dịch vụ tốt cho sức khỏe con người, thân thiện với môi trường, mang lại cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương.