Một số phụ huynh thậm chí đã tính tới phương án an toàn khi đăng ký cho con em dự thi chương trình trung học phổ thông truyền thống. Trong khi hầu hết vẫn đang từng ngày chờ đợi văn bản chính thức từ Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Phụ huynh lo lắng
Ngày 19/4 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chính thức công bố hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2022-2023. Tại phụ lục III, trong khi phương thức tuyển sinh vào các hệ chuyên, không chuyên, tiếng Pháp song ngữ và tăng cường, tiếng Nhật, Đức, Hàn và các trường phổ thông năng khiếu thể dục thể thao đều được chi tiết hóa thì riêng chương trình đào tạo song bằng tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-Level) lại rất… vắn tắt.
“Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn công tác tuyển sinh vào lớp 10 chương trình đào tạo song bằng tú tài học chương trình THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc (chứng chỉ A-level) sau khi có ý kiến của UBND thành phố”, phụ lục nêu rõ.
Chương trình đào tạo song bằng tú tài là chương trình đào tạo giáo dục mà sau khi kết thúc chương trình học, các em học sinh sẽ được cấp bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh Quốc với chứng chỉ A-level.
Chương trình được thí điểm từ năm học 2017-2018 tại 7 trường trung học cơ sở tại Hà Nội, bao gồm các trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ); THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân); THCS Cầu Giấy, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); THCS Trưng Vương, THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) và Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Với hệ song bằng, học sinh vẫn được học đầy đủ kiến thức từ chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng được tiếp cận với các kiến thức mới theo định hướng quốc tế. Ngoài môn tiếng Anh của hệ Việt, các môn học của hệ Cambridge cũng đều là tiếng Anh.
Có con đang theo học hệ song bằng tại trường THCS Trưng Vương, chị T.A lo lắng: “Bây giờ đã là cuối tháng 4, thời gian đến kỳ thi chuyển cấp không còn nhiều nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể nào. Điều này khiến tất cả phụ huynh cũng như các học sinh rất hoang mang”.
Theo vị phụ huynh này, việc chậm trễ đưa ra hướng dẫn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy.
“Đầu tiên, cả phụ huynh và học sinh đang theo hệ song bằng sẽ mất đi sự chủ động trong lựa chọn nguyện vọng cũng như lên kế hoạch thi. Chúng tôi không được biết các trường nào sẽ tuyển hệ song bằng, tuyển bao nhiêu, thời gian và điều kiện để thi như thế nào”, chị T.A nêu ý kiến.
“Hiện nay, phụ huynh đều căn cứ vào hướng dẫn năm học 2021-2022 để… đoán. Chúng tôi không biết được tỷ lệ chọi năm nay là bao nhiêu, tiêu chuẩn điều kiện để được thi là thế nào. Tất cả đều như cầm đèn mà đi soi đường đêm”, chị C.T – một phụ huynh khác lên tiếng.
Một số phụ huynh cho biết, đã quyết định cho con dừng học chương trình song bằng để đăng ký cho con dự thi chương trình trung học phổ thông truyền thống. “Chương trình đào tạo song bằng rất tốt, nhưng mọi thứ hiện quá chậm khiến tôi buộc phải lựa chọn phương án an toàn hơn”, một phụ huynh bày tỏ.
Cần sớm thông tin và xem xét lại điều kiện thi
“Chúng tôi rất mong Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm ban hành công văn chi tiết, tránh tình trạng chậm thông tin như hiện nay”, chị T.A đưa ra quan điểm.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ và giáo viên cũng cho rằng cần phải xem xét điều chỉnh điều kiện thi hệ song bằng để bảo đảm quyền lợi cho tất cả các học sinh đang theo học chương trình kể trên tại cấp trung học cơ sở.
Về vấn đề này, chị C.T cho biết: Năm học 2021-2022 trước đó, theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, điều kiện để các con thi là phải có điểm trung bình cả năm lớp 9 các môn Toán, Vật lý, Hóa học từ 8,0 trở lên; môn Tiếng Anh từ 8,5 trở lên; môn Ngữ văn từ 6,5 trở lên.
Cô Tú Oanh (Trường THCS Trưng Vương) cho rằng, nếu tiêu chí năm học 2021-2022 vẫn được giữ nguyên sẽ “rất bất công” với các học sinh đang theo học hệ song bằng.
“Năm học 2022-2022, lứa THCS đầu tiên được đào tạo trọn vẹn 4 năm học ra trường. Các con đã trải qua quá trình rất dài phấn đấu nên tôi cho rằng, toàn bộ 350 học sinh lứa này đều cần được xác định có đủ điều kiện để thi tiếp hệ song bằng ở bậc trung học phổ thông, thay vì bị khống chế ‘cứng’ bởi quy định về học lực như các năm trước”, cô Tú Oanh phân tích.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Hà Xuân Nhâm – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: “Đây là nội dung Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang rất quan tâm. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với các sở, ban ngành để trình Ủy ban nhân dân thành phố một số định hướng”.
Về các thông tin liên quan đến phương án tuyển sinh đang được các phụ huynh “truyền tay” nhau, ông Nhâm khẳng định: “Phương án tuyển sinh song bằng sẽ công bố sau. Đây đều là các thông tin chưa chính xác”.