Phong trào hiến đất làm đường ở Yên Bái

NDO -

Lục Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đang thời kỳ nông nhàn nên các xã nô nức ra quân làm đường giao thông nông thôn. Đến đâu chúng tôi cũng gặp người đeo khẩu trang phòng dịch, cùng nhau chung tay dỡ bỏ vườn tạp, chặt cây, tạo mặt bằng sạch để làm đường giao thông.

Một đoạn đường đất mới mở về làng Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.
Một đoạn đường đất mới mở về làng Át Thượng, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên.

Nét mới là do làm tốt công tác dân vận khéo, vận dụng sáng tạo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, người dân Lục Yên đồng thuận với chính quyền, hăng hái hiến đất làm giao thông nông thôn.

Tuyến đường Hoàng Văn Thụ, thuộc thị trấn Yên Thế (Lục Yên) dài gần một km, có trường trung học phổ thông với hàng nghìn học sinh theo học hằng ngày. Mặt đường cấp phối, bề rộng 3m, mỗi khi tan tầm hay trước giờ vào lớp giao thông qua đây thường ách tắc, gặp trời mưa thì càng vất vả vô cùng.

Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND thị trấn Yên Thế sau nhiều lần khảo sát, nắm tình hình dư luận, đã đi đến quyết định mở rộng mặt đường lên thành 7m, nghĩa là mỗi bên lề đường mở thêm 2m, ảnh hưởng trực tiếp lợi ích các nhà dân hai bên đường. Do không có kinh phí đền bù, qua nhiều lần họp dân theo hướng vận động dân hiến đất, nhà nước sẽ xây rãnh thoát nước, cứng hóa mặt đường, chỉnh trang đô thị văn minh.

Với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, đảng viên Đỗ Văn Hải, tổ dân phố 12, bàn với vợ con tự nguyện phá dỡ cổng xây, tường rào kiên cố dài 16m, đồng thời hiến thêm 40m chiều dài mặt đường (trị giá khoảng 200 triệu đồng) để nhà nước mở rộng mặt đường thành 7m.

Phong trào hiến đất làm đường ở Yên Bái -0
 Đoàn viên thanh niên huyện Lục Yên xung kích trong làm đường giao thông nông thôn.

Anh Hải tâm sự, biết là bây giờ bị thiệt thòi cả mấy trăm triệu đồng, nhưng vì lợi ích lâu dài, sau này đô thị hóa thì giá trị đất sẽ lên. Với lại mình là đảng viên, là tổ trưởng tự quản tổ dân phố 12, nên sự gương mẫu của gia đình tôi có tác dụng lớn, dẫn dắt tổ phố làm theo.

Hôm dỡ tường rào và cổng nhà anh Hải, cả phố đến chứng kiến, thế rồi như một sự lan truyền, hơn 40 hộ dân trên trục đường Hoàng Văn Thụ đều dữ rào, chặt cây, phá tường rào, lùi vào 2m tạo sự thông thoáng làm đường đủ rộng 7m.

Nhiều hộ như Phạm Văn Thường, Nguyễn Xuân Tôn, Nguyễn Thị Thoa… đều nhường cả chục mét đất trải dài theo mặt đường để thi công làm rãnh thoát nước, mở rộng mặt đường.

Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Thế, Phạm Trung Kiên đánh giá, giá trị đất ở theo thị trường khu vực này khoảng 500 triệu đồng/lô (5m x 20m), nếu tính nhanh diện tích đất dân hiến mở đường, số tiền cả mấy tỷ đồng, ngân sách ở cơ sở không gánh nổi. Nếu dân không đồng thuận, tự nguyện ủng hộ, thì việc giải phóng mặt bằng làm các công trình phúc lợi của nhà nước sẽ rất khó khăn. 

Cùng Bí thư Đoàn xã Minh Xuân, Hoàng Đăng Khoa cùng về làng Át Thượng, nơi có 163 hộ dân tộc Tày sinh sống, được chọn là điểm ra mắt làng văn hóa thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.

Dưới một thung lũng rộng, núi đá cao vút, có 163 ngôi nhà sàn còn giữ nguyên bản sắc văn hóa dân tộc Tày, đường vào các nhà đều đổ bê-tông sạch sẽ, được trồng hoa hai bên đẹp mắt, cả thôn có 4,3km đường bê-tông từ sự góp sức và hiến đất của dân. Đường vào điểm du lịch hang Thẳm Vài (hang Trâu) được chi đoàn góp công làm mới, trong đó xây một cầu xi măng trị giá 60 triệu đồng, thuận lợi cho du khách đến tham quan.

Trên ngôi nhà sàn nhìn ra hồ Át Thượng thoáng mát, anh Vương Văn Đề cho biết, để làm đường mới, gia đình anh đã hiến hơn 400m2 đất vườn, chặt mấy trăm cây quế, mỡ, xoan đang độ lớn. Thôi thì thiệt trước mắt, nhưng giúp người làng có đường ô-tô đi qua là vui rồi!

Nhiều hộ trong làng như ông Triệu Văn Sáng đã dỡ 70m tường rào xây, ông Nông Văn Sơn hiến hơn 100m2 đất ở, ông Hoàng Văn Tiêu hiến đất ruộng… để làm giao thông nông thôn, góp sức xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Xuân, Lã Văn Quảng cho hay, thực hiện chủ trương làm giao thông nông thôn, khi đã hiểu rõ mục đích đường ta làm ta đi, người dân trong xã rất đồng tình với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tỉnh cho xi-măng, có cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, người dân trong thôn giải phóng mặt bằng, góp sức cùng làm đường.

Qua đó, có 12 hộ thôn Nà Kìa hiến 1.350m2 đất, 20 hộ thôn Át Thượng hiến gần 4.000m2 đất, 6 hộ thôn Nà Vài hiến hơn 1.000m2 đất vườn, đất sản xuất để làm đường bê-tông. Đến nay, xã Minh Xuân có gần 30km đường liên thôn được bê-tông, 8km đường điện được tháp sáng về đêm, đều do dân đóng góp là chính.

Bí thư Huyện ủy Lục Yên, Hoàng Hữu Độ đánh giá: Nhờ giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân, coi trọng công tác vận động quần chúng, cán bộ sâu sát cơ sở, nhất là qua phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân” các cán bộ cấp huyện về cùng lao động, sản xuất, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời tháo gỡ các ý kiến bất đồng, nên cán bộ được dân tin yêu.

Phong trào hiến đất làm đường ở Yên Bái -0
 Nhờ hiến đất đô thị của người dân, tuyến đường Hoàng Văn Thụ thị trấn Yên Thế được xây rãnh nâng cấp mới mặt đường.

6 tháng đầu năm 2021, Lục Yên thực hiện mở rộng nền đường được 55,57km, với tổng diện tích đất mở rộng đều do dân hiến hơn 116 nghìn m2.

Có đường mới, người dân tiếp tục thực hiện phong trào “Thắp sáng đường quê” với hơn 88,6km đường điện nông thôn được thắp sáng, giúp người dân đi lại thuận tiện. Các xã Tân Lập, Lâm Thượng, Khánh Thiện, Tân Lĩnh bảo đảm 100% các tuyến đường đều có điện đường sáng về đêm.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Thị Vĩnh  khẳng định, từ việc đánh giá đúng vấn đề “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, cấp ủy, chính quyền Yên Bái đã chủ động "3 cùng”, "4 cùng” với dân, nắm tình hình, nắm địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi những thói quen sản xuất lạc hậu, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật đưa giống mới vào sản xuất, tăng vụ.

Vận động nhân dân hiến đất làm giao thông và các công trình phúc lợi khác. Nhờ đó, Yên Bái đã có gần 1.800km đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa, bảo đảm giao thông đi lại thuận lợi. Trong đó, có 9 xã và 150 thôn, bản đặc biệt khó khăn có đường ô-tô đi lại được 4 mùa trong năm.