Gia tăng ca bị liệt dây thần kinh số 7
Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Châm cứu Trung ương vừa tiếp nhận anh N.H (29 tuổi, Hà Nội) vào viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ. Bệnh nhân không thể làm động tác thổi lửa, huýt sáo…
Trưởng khoa Nguyễn Tiến Dũng cho biết trước khi vào viện 3 ngày, anh H. ngủ dậy thấy phòng vẫn ấm nên kéo cửa ban công cho thoáng. Khi vào nhà vệ sinh, anh bất ngờ vì nước đánh răng chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng.
Nhìn vào gương, anh thấy miệng lệch nhẹ, đặc biệt khi chớp, nhắm mắt, hai bờ mi bên mắt trái không khép lại kín. Tưởng đột quỵ, anh lập tức đi khám và được chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn, chuyển Bệnh viện Châm cứu Trung ương điều trị.
Theo bác sĩ Dũng, liệt dây thần kinh số 7 có hai loại: Liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (do lạnh, số ít do viêm tai giữa, zona thần kinh).
80% trường hợp nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm lạnh hoặc thay đổi thời tiết đột ngột sang lạnh.
Dây thần kinh số 7 ngoại biên nằm sát với da nên rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nếu gặp lạnh đột ngột, mạch máu nuôi dưỡng dây thần kinh này co lại gây tổn thương. Chỉ mất vài giây khi tiếp xúc với nguồn lạnh đã có thể mắc bệnh.
Bác sĩ Dũng cho biết, dấu hiệu điển hình của bệnh này được 90% bệnh nhân mô tả là buổi sáng thức dậy, đánh răng thấy vương vãi nước, soi gương mặt bị lệch, mắt không thể nhắm kín. Một số người bị kín đáo hơn nhưng khi chu môi, thổi lửa, huýt sáo… mới biểu hiện rõ. Số ít bị liệt dây ở cả 2 bên, mặt không bị lệch nhưng cứng đờ, cười hay khóc đều không biểu hiện rõ.
Hiện nay, tỷ lệ người trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 gia tăng hơn trước do sự chủ quan về mặt sức khỏe, không giữ ấm cơ thể.
Theo bác sĩ Dũng, một tháng đầu tiên kể từ sau khi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên là giai đoạn tốt nhất để điều trị bệnh này. Càng để lâu, đặc biệt sau 3 tháng, bệnh nhân khó hồi phục hoàn toàn, mặt, miệng có thể bị lệch vĩnh viễn, thậm chí máy cơ với biểu hiện giật mặt.
Đặc biệt, người bệnh không nên chữa bệnh bằng phương pháp dân gian theo thầy lang như đắp máu lươn trị bệnh.
Mới đây nhất, bệnh viện tiếp nhận trường hợp sản phụ mang thai 35 tuần nhập viện điều trị liệt dây thần kinh số 7 muộn. Theo lời kể của người nhà, trước đó 2 tuần người bệnh bị trúng gió, có biểu hiện liệt dây thần kinh, méo miệng nhưng lại tìm thầy lang đắp máu lươn.
Sau 2 tuần, cơ mặt chị cứng đờ, mắt không thể khép kín mới đến Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Sau một tháng, chị sinh con nên việc điều trị bị gián đoạn. Sau khi trở lại viện điều trị, bệnh nhân chỉ hồi phục 80%.
Phòng tránh liệt dây thần kinh số 7
Theo các chuyên gia, lý do khiến cho dây thần kinh số 7 bị liệt chủ yếu là: Nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió; Bệnh viêm tai-mũi-họng không được điều trị hiệu quả; Chấn thương xảy ra ở xương chũm, vùng thái dương,...; Có bệnh lý ở nền sọ; Tiểu đường; Xơ vữa động mạch; Bệnh huyết áp.
Những có nguy cơ cao hơn với bệnh liệt dây thần kinh số 7 là người có hệ miễn dịch bị suy giảm và sức khỏe yếu; Thai phụ; Người thường xuyên trải qua tình trạng căng thẳng, thức khuya; Hay uống rượu bia; Người có tiền sử với bệnh xơ vữa động mạch, huyết áp; Người hay phải đi sớm về khuya.
Hầu hết các trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 sẽ có các biểu hiện: Tuyến lệ hoạt động không tốt, mí bị sụp, khô mắt, không thể nháy hoặc nhắm mắt; Miệng bên liệt khó mỉm cười, khó hoặc không thể khép lại, chảy dãi.
Châm cứu chữa liệt dây thần kinh số 7. |
Một số người có mặt bị xệ xuống hoặc hơi cứng bất thường, méo miệng lệch về một bên; Khóe miệng, vùng trán bị dị cảm; Bị đau quanh góc hàm, xương chũm, thái dương, tai; Vị giác bị thay đổi; Nhạy cảm hơn với âm thanh.
Có trường hợp rối loạn lời nói hoặc khả năng nhai nuốt. Ở bên mặt bị liệt dễ bị đọng thức ăn, uống nước hay bị trào ra. Một bên mặt có cảm giác bị tê và yếu cơ hẳn đi.
Nếu bị liệt dây thần kinh số 7 sau đợt nhiễm trùng zoster hay herpes simplex có thể gây ra những cơn đau dữ dội, nổi mụn nước ở lưỡi hoặc vòm miệng.
Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, việc làm quan trọng nhất là giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, không tắm quá khuya. Trẻ nhỏ ra ngoài trời cần mặc ấm, quấn khăn, đội mũ, chơi trong thời gian ngắn.
Người lớn lưu ý tránh cho trẻ ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải che ấm hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ ngồi phía trước xe.
Nếu có biểu hiện bị liệt dây thần kinh số 7 cần đến cơ sở y tế chuyên khoa thăm khám và điều trị. Nếu để bệnh ở mức độ nặng, áp dụng các biện pháp điều trị muộn thì rất khó khỏi, khoảng 80-90% trường hợp sẽ bị méo miệng khi cười. Đặc biệt, điều trị muộn có thể gây thoái hóa dây thần kinh, một số trường hợp còn có chiều hướng tiến triển xấu do điều trị sai cách.
Theo bác sĩ Dũng, các phương pháp chữa liệt dây thần kinh số 7 bằng châm cứu như: ôn châm, điện châm, thủy châm kết quả thu được rất khả quan với tỷ lệ khỏi bệnh khoảng 90%.
Châm cứu chữa liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh điều trị bằng phương pháp điện châm đem lại hiệu quả rất tốt, nếu điều trị kịp thời đúng phương pháp bệnh sẽ khỏi trong vòng 20-25 ngày.