Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Quảng Bình) triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ các đối tượng gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Các đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Hải Sinh (SN 1988, ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy); Võ Xuân Ðỉnh (SN 1988, ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy). Bước đầu các điều tra viên xác định, Sinh và Ðỉnh thường xuyên chở nhau đến các tuyến đường của huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy để tìm hiểu, quan sát các ngôi nhà, khu vực có thể trộm cắp tài sản có giá trị. Khi phát hiện nhiều người dân lơ là trong việc trông giữ xe máy, Sinh và Ðỉnh liền dùng vam phá khóa và lấy trộm. Trong khoảng thời gian ba năm gần đây, các đối tượng đã thực hiện trót lọt sáu vụ trộm cắp xe máy, mỗi chiếc bán được khoảng 3,5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được Sinh và Ðỉnh chia nhau tiêu xài cá nhân. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) đã triệt phá ổ nhóm chuyên trộm cắp và tiêu thụ tài sản ở các đình, đền, chùa; đồng thời, ra lệnh khám xét khẩn cấp và tạm giữ hình sự đối với ba đối tượng về hành vi trộm cắp tài sản, gồm Nguyễn Văn Toàn (SN 1965 , trú tại số 391 Kim Ngưu , quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Nguyễn Văn Huy (SN 1982, trú tại số 346 Lĩnh Nam , phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội); Nguyễn Văn Hậu (SN 1990, trú tại thôn Bồng Lai, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Bước đầu, các cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự xác định, các đối tượng này đã gây ra ít nhất 13 vụ trộm cắp cổ vật tại các đình, chùa tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Ðể tránh bị phát hiện khi trộm cắp tài sản, các đối tượng thường lựa chọn những đêm mưa gió hoặc khi người bảo vệ đình, chùa ngủ say. Ðiển hình, tại chùa Bối Khê, xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) kẻ gian lợi dụng đêm tối, phá cửa lấy đi một pho tượng Thích Ca đản sinh bằng đồng mầu đen, chiều cao khoảng 70 cm. Ba ngày sau, tại đình Ðại Ðịnh (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), kẻ gian tiếp tục đột nhập lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc, hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng, một bình sứ cổ. Gần nửa tháng sau, chùa Dư Dụ, xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) cũng bị kẻ gian cắt khóa, đột nhập lấy trộm một chuông đồng, hai bát hương đặt tại tòa tam bảo…
Các đối tượng trộm cắp tài sản thường lợi dụng các gia đình đi làm giờ hành chính, không có người trông nhà để đột nhập; hoặc lợi dụng đêm tối khi mọi người trong gia đình ngủ say không đóng cửa ban công, cửa tum, cửa sổ; các cửa hàng, đình, chùa có nhiều tài sản quý nhưng không có người trông giữ; các bãi gửi ô-tô rộng hoặc tại các vỉa hè có hệ thống ca-mê-ra an ninh không bảo đảm. Khoảng thời gian mà các đối tượng lựa chọn để gây án là từ 0 giờ đến 5 giờ sáng hoặc từ 9 giờ đến 17 giờ hằng ngày. Thủ đoạn gây án của loại tội phạm trộm cắp này ngày càng táo bạo, liều lĩnh và có tính chuyên nghiệp cao. Chúng hoạt động lưu động tại các khu đô thị mới, khu nhà biệt thự liền kề còn thưa dân hoặc các khu dân cư đang có nhiều công trình xây dựng..., bởi nếu bị phát hiện thì các đối tượng dễ dàng bỏ chạy, lẩn trốn.
Trao đổi với Ðại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, chúng tôi được biết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2021, lãnh đạo phòng đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Cụ thể: phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện tập trung tối đa lực lượng; áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để sớm bắt giữ các đối tượng và thu hồi tang vật. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trộm cắp tài sản đến các khu dân cư, cửa hàng kinh doanh. Tích cực vận động lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, trường học,... trên địa bàn lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng, ca-mê-ra, còi chuông báo động. Ðẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền đến tận người dân, hộ gia đình để chủ động bảo vệ tài sản. Bố trí lực lượng thường xuyên tuần tra, mật phục, nhất là trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày. Thiết lập đường dây nóng để quần chúng nhân dân kịp thời điện báo khi phát hiện đối tượng nghi vấn hoặc đối tượng gây án. Thực hiện tốt công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý tạm trú, tạm vắng, thường xuyên gọi hỏi, giáo dục các đối tượng thuộc diện quản lý. Lên danh sách các ổ nhóm, đối tượng từng tham gia trộm cắp tài sản để đấu tranh triệt phá trong đợt cao điểm, bảo vệ an toàn cho nhân dân. Tham mưu cho chính quyền các địa phương trong việc đề ra các chính sách giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn; đối tượng đã chấp hành xong hình phạt tù.
Ðể phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản, các gia đình cần gia cố cổng, cửa bảo đảm chắc chắn, an toàn. Trước khi đi ngủ, sau khi ra khỏi nhà cần kiểm tra hệ thống khóa. Khi đi vắng lâu ngày nên nhờ hàng xóm, người thân qua lại kiểm tra cổng, cửa. Không nên để nhiều tiền, vàng bạc, đá quý,… trong nhà. Sớm lắp đặt hệ thống ca-mê-ra, còi chuông báo động chung quanh ngôi nhà. Ðối với các chủ xe ô-tô, cần gửi xe vào bãi xe có người trông giữ 24/24 giờ. Khi phát hiện các đối tượng nghi vấn cần kịp thời thông báo qua các đường dây nóng cho cơ quan công an…
Trung tá PHAN QUANG VINH
Phó Ðội trưởng Ðội 6 (Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội)
Hành vi trộm cắp tài sản nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản thì sẽ bị xử phạt hành chính đến hai triệu đồng theo điểm a khoản 1 Ðiều 15 Nghị định 167/2013/NÐ-CP. Nếu truy tố trách nhiệm hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản thì căn cứ Ðiều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội trộm cắp tài sản; người phạm tội sẽ bị xử phạt cao nhất đến 20 năm tù…
Luật sư LÃ THỊ ÁNH
(Ðoàn Luật sư TP Hà Nội)