Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Nam vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Trường Giang (25 tuổi, ở xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) về tội giết người. Giang bị cáo buộc đã hành hạ, đánh đập rồi nhốt bé trai N.H.Ð. (3 tuổi, ở xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân) vào tủ cấp đông nhằm tước đoạt mạng sống của cháu bé.
Tại cơ quan điều tra, Giang khai nhận, khoảng 15 giờ 20 phút ngày 13/8, cháu N.H.Ð từ nhà sang quán trà sữa KAY của Giang chơi. Do cháu Ð hỏi nhiều khiến Giang bực mình đã cầm chiếc chày kim loại vung mạnh vào phần đầu sau khiến cháu Ð ngã đập đầu xuống sàn nhà và khóc to. Sau đó, Giang dỗ dành nhưng cháu Ð càng khóc to, gọi mẹ nên Giang đã dùng tay trái bịt miệng, tay phải bóp, ghì cổ cháu nằm trên sàn nhà, khoảng 1 phút sau cháu Ð nằm im không khóc nữa thì Giang bỏ ra ngoài cửa quán để quan sát thì cháu Ð bất ngờ kêu: "Ông ơi, mẹ ơi chú đánh con". Thấy vậy, Giang nảy sinh ý định giết cháu N.H.Ð nên đã dùng dây dù buộc, siết chặt lại phía sau gáy cháu Ð và có nhiều hành động bạo lực khiến cháu bé bất tỉnh. Sau đó Giang đặt cháu bé vào thùng các-tông, cho vào tủ cấp đông rồi bỏ đi... Rất may sau đó cháu Ð. đã được người nhà tìm thấy trong tủ cấp đông và kịp thời đưa đi cấp cứu. Hiện sức khỏe cháu Ð đã dần ổn định.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Mai Xuân Thái (sinh năm 1982, ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) để điều tra về tội giết người.
Qua điều tra, bước đầu cơ quan công an xác định, nguyên nhân xảy ra vụ án giết người là do mâu thuẫn quan hệ tình cảm giữa Mai Xuân Thái và chị N.T.Q. (sinh năm 1982, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cụ thể, vào chiều 11/8, ở khu vực trước cửa số nhà 17 Hàng Bài, phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Mai Xuân Thái đã dùng dao đâm liên tiếp chị N.T.Q. Sau khi gây án xong, Thái dùng dao tự sát nhưng không thành...
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2021, toàn quốc xảy ra hơn 1.000 vụ giết người và trong quý I/2022 xảy ra hơn 280 vụ, tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp so với cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội, nhưng loại tội phạm này lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ án giết người chủ yếu do xuất phát từ các mâu thuẫn tranh chấp đất đai, tài sản; ghen tuông tình ái; mâu thuẫn trong gia đình; bột phát khi sử dụng rượu bia; mâu thuẫn do va chạm khi tham gia giao thông; trục lợi tiền bảo hiểm; quẫn bách về kinh tế; mê tín dị đoan. Một số đối tượng sau khi sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác hoặc người bị tâm thần cũng gây án giết người.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường làm phát sinh những tiêu cực trong xã hội. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cho quần chúng nhân dân của các cơ quan, ban, ngành chưa coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong phòng ngừa tội phạm còn hạn chế, chưa thống nhất. Sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thiếu tu dưỡng, rèn luyện nhân cách đạo đức, không có sự định hướng, giáo dục đúng đắn từ gia đình cũng là nguyên nhân khiến các đối tượng có hành vi giết người bằng thủ đoạn tàn khốc…
Theo Ðại tá Ðặng Xuân Quỳnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm giết người có hiệu quả, lực lượng công an các địa phương cần quyết liệt thực hiện tốt chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Ðảng, Chính phủ, Quốc hội và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về phòng, chống tội phạm; các đề án, kế hoạch về đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm liên quan tín dụng đen; sử dụng đồng bộ các biện pháp, phương tiện để kịp thời điều tra, bắt giữ và xử lý nghiêm đối tượng giết người. Lực lượng công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, của lực lượng công an, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng, nhân rộng điển hình trong phòng, chống tội phạm, nâng cao chất lượng các mô hình tự quản, tự phòng, tự vệ ở cơ sở, nhất là những địa bàn phức tạp về trật tự xã hội; tăng cường quản lý, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc tái phạm tội như nghiện ma túy, "ngáo đá", trường hợp mới được đặc xá, tha tù... Các cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây bức xúc dư luận xã hội; lựa chọn một số vụ án điểm đưa ra xét xử lưu động, công khai để tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa chung. Các lực lượng chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như trò chơi điện tử, dịch vụ karaoke, cầm đồ trên địa bàn; chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, giáo dục với đấu tranh trấn áp, lấy phòng ngừa làm chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình và cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo và phát huy vai trò các tổ hòa giải cơ sở...■
Tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn. Người phạm tội này, căn cứ theo Ðiều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình. Tuy nhiên, người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Luật sư TRƯƠNG THANH TUẤN
(Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội)