Mùa chướng về, ven bờ biển Ðông thuộc địa phận tỉnh Cà Mau, từ Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) đến Mũi Cà Mau (huyện Ngọc Hiển), liên tục hứng chịu những đợt sóng to, gió mạnh làm nước biển dâng, gây sạt lở nguy hiểm đến đất và rừng phòng hộ ven biển…
Chống chọi sóng dữ
Khu vực bãi biển Khai Long ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển hướng ra cụm đảo Hòn Khoai cũng ảnh hưởng bởi mùa gió chướng. Tuy nhiên, sóng dữ chỉ áp mạnh vào rồi trở ra mà không gây hại phía bờ như xưa, bởi khu vực này đã có một khu kè chắn sóng dài hơn 3 km được đầu tư hoàn thiện.
Công trình kè chắn sóng ấy ôm trọn mặt tiền Khu du lịch Khai Long do Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng-Thương mại-Du lịch Công Lý đầu tư với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Đây cũng là công trình thí điểm về phòng chống sạt lở bờ biển đầu tiên của tỉnh Cà Mau theo hình thức xã hội hóa.
Theo đại diện chủ đầu tư, đoạn kè đầu tiên khoảng 200m được triển khai vào năm 2013. Sau khi hoàn thành và kiểm chứng phát huy hiệu quả ứng phó với sạt lở ven biển, doanh nghiệp mở rộng dần và hoàn thành được khoảng 3,2 km như hiện nay. Đổi lại, doanh nghiệp được tỉnh Cà Mau ưu tiên cho thuê hơn 100 ha đất ven biển Khai Long để triển khai tổ hợp dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
“Chúng tôi được ưu tiên vị trí, không được miễn giảm tiền thuê nhưng khi được vận động xây kè chống sạt lở, chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc. Công trình kè biển không chỉ góp phần bảo vệ đất đai ven biển của quốc gia mà còn giúp chúng tôi bảo vệ khu đất được giao cùng các hạ tầng đã đầu tư để thực hiện dự án du lịch”, ông Tô Hoài Dân, đại diện doanh nghiệp đầu tư kè tại Khai Long cho hay. Trên mặt kè được cứng hóa mặt đường với bề ngang 8m, bảo đảm hai làn xe cơ giới lưu thông, gần đây doanh nghiệp này còn xây dựng cầu cảng nối từ kè ra biển dài hàng trăm mét để phục khách tham quan ngắm cảnh kỳ vĩ của cụm đảo Hòn Khoai, nơi khá gần với tuyến hàng hải quốc tế, có nhiều tàu thuyền qua lại.
Bà Lưu Mỹ Hạnh, du khách đến tham quan Khu du lịch Khai Long, chia sẻ: “Kè chống sạt lở ven biển kết hợp với đường giao thông như ở Khai Long tôi thấy rất đẹp và thuận tiện. Nếu khu du lịch nào cũng có kè biển như Khai Long thì tình trạng sạt lở sẽ giảm đáng kể”.
Bờ biển Đông thuộc địa phận tỉnh Cà Mau dài khoảng 150 km, trong đó, địa bàn huyện Ngọc Hiển có bờ biển dài 98 km. Đến nay, hơn 20 km bờ biển của huyện Ngọc Hiển đã được đầu tư công trình kè biển ứng phó với sạt lở, bao gồm khu vực Khai Long được triển khai theo hình thức xã hội hóa.
“Công trình kè do doanh nghiệp đầu tư phát huy tốt hiệu quả. Sắp tới, chúng ta cần có chính sách để thu hút, nhân rộng theo cách này để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách”, ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển chia sẻ.
Công trình kè do doanh nghiệp đầu tư phát huy tốt hiệu quả. Sắp tới, chúng ta cần có chính sách để thu hút, nhân rộng theo cách này để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hiển
Vùng ven biển Ngọc Hiển có nhiều khu vực đã và đang triển khai dự án điện gió, như: Tân Ân, Viên An, Viên An Đông, Khai Long… Nếu có chủ trương và cơ chế hợp lý, những khu vực có dự án đi qua có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè ứng phó với sạt lở...
Cà Mau đã hoàn thành gần 12 km kè biển bên bờ Đông với kinh phí hơn 600 tỷ đồng. |
Tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xã hội hóa
Trong số hơn 740 km bờ biển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau là địa phương có đường bờ biển dài nhất với hơn 254 km. Do vậy, Cà Mau cũng là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở bờ biển do tác động cực đoan từ các hình thái của biến đổi khí hậu gây ra.
Sạt lở ở Cà Mau diễn ra quanh năm, rừng phòng hộ bị phá hủy nghiêm trọng, đường bờ biển lấn nhanh về phía đất liền. Thống kê của ngành chức năng Cà Mau cho thấy, tổng chiều dài các đoạn bờ biển của tỉnh bị sạt lở khoảng 187 km. Chỉ trong 10 năm (từ 2011-2021), Cà Mau bị sạt lở làm mất đất và rừng phòng hộ ven biển hơn 5.200 ha. Nhiều năm liên tục, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp vùng ven biển, cầu cứu sự hỗ trợ từ Trung ương.
Đến nay, trên địa bàn Cà Mau đã đầu tư xây dựng và hoàn thành được gần 56 km kè bảo vệ vùng ven biển với tổng kinh phí hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư kè ven bờ Biển Tây dài hơn 43 km, tổng kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng; bờ Biển Đông gần 12 km, kinh phí thực hiện hơn 610 tỷ đồng. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: Những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp làm giảm sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã tạo bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
Những công trình kè ven biển ở Cà Mau được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, giúp làm giảm sóng biển, chống sạt lở và bước đầu đã tạo bồi, tạo bãi, khôi phục lại được gần 1.000 ha rừng phòng hộ.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau
Thực tế, đầu tư công trình vùng ven biển khá tốn kém, nặng nhất là khu vực ven biển Đông, nơi thường xuyên có sóng to, gió mạnh, biên độ triều lớn… Ở khu vực này, đầu tư cho mỗi ki-lô-mét kè ven biển khoảng hơn 50 tỷ đồng, gấp hai lần suất đầu tư cho công trình kè biển bên bờ Tây của Cà Mau. Khu vực bờ Đông đang tập trung hầu hết các dự án năng lượng tái tạo của tỉnh Cà Mau. Theo các chuyên gia nông nghiệp, cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hợp lý trong xã hội hóa phòng chống sạt lở để giảm gánh nặng cho ngân sách. Khi thực hiện xã hội hóa, ngoài giảm gánh nặng về ngân sách đầu tư công, chúng ta kịp thời bảo vệ đất và rừng ven biển không bị mất. Mặt khác, doanh nghiệp khai thác quỹ đất thuê có hiệu quả phía bên trong kè, địa phương có thêm nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm tại chỗ, đóng góp an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế khu vực dự án.
Thực tế, có nhiều nhà đầu tư đề xuất xã hội hóa việc đầu tư công trình chống sạt lở bờ biển tại Cà Mau theo hướng tương tự như đã thực hiện tại Khai Long. Đổi lại, doanh nghiệp được sử dụng một phần diện tích đất bên trong kè (trước đó đã bị sạt lở) hoặc hoán đổi với diện tích đất ở vị trí khác để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (số 64/2020/QH14 của Quốc hội) hiện không còn hình thức BT nên các đề xuất về sau của doanh nghiệp không được thực hiện. Cà Mau kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh được tiếp tục thực hiện xã hội hóa công trình phòng chống sạt lở bờ biển theo hình thức BT nhằm kịp thời ứng phó với sạt lở tại những nơi phù hợp, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (số 64/2020/QH14 của Quốc hội) hiện không còn hình thức BT nên các đề xuất về sau của doanh nghiệp không được thực hiện. Cà Mau kiến nghị Trung ương cho phép tỉnh được tiếp tục thực hiện xã hội hóa công trình phòng chống sạt lở bờ biển theo hình thức BT nhằm kịp thời ứng phó với sạt lở tại những nơi phù hợp, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
Từ kết quả đạt được trong xây dựng các công trình ứng phó sạt lở bờ biển những năm qua và diễn biến sạt lở ven biển trong thời gian gần đây ở Cà Mau cho thấy, cần phải chủ động hơn và xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời, dứt điểm. Nếu không xử lý dứt điểm thì thiệt hại sẽ càng lớn hơn, khó khắc phục hơn và Cà Mau phải thường xuyên tập trung đối phó với tình huống khẩn cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội…