Vừa qua, tại một công ty chuyên sản xuất nhựa ở xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xảy ra vụ cháy ba xưởng sản xuất với diện tích hơn 3.000m2. Ngay sau khi nhận được thông tin vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC Công an huyện Đức Hòa đã điều động ba xe chữa cháy cùng 54 chiến sĩ đến hiện trường.
Bên cạnh đó, huyện Đức Hòa cũng đã huy động thêm bốn chiếc xe chữa cháy của các khu công nghiệp đến chi viện, tiếp cận hiện trường tích cực dập lửa. Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi của lực lượng chữa cháy, ngọn lửa đã được dập tắt. Nguyên nhân vụ cháy được xác định ban đầu có thể do bị chập điện.
Trước đó, Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội nhận tin báo cháy tại số 231 phố Quan Hoa (quận Cầu Giấy) và đã điều động Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa đến hiện trường tổ chức tìm kiếm cứu nạn và chữa cháy.
Theo một người dân chứng kiến, khoảng hơn 13 giờ ngày 1/8 có mùi khét, khói lửa bốc nghi ngút từ tầng sáu quán karaoke ISIS số 231 phố Quan Hoa, kèm theo cả tiếng nổ. Ngay lập tức người dân đã thông báo cho lực lượng chữa cháy. Nhiều cảnh sát PCCC và CNCH, xe cứu hỏa được huy động đến chữa cháy ngôi nhà… Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi để dập tắt đám cháy, đã có ba cảnh sát anh dũng hy sinh.
Đó là các đồng chí Đặng Anh Quân, Đỗ Đức Việt và Nguyễn Đình Phúc thuộc Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy.
Trước lúc hy sinh, các đồng chí đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trinh sát, tổ chức chữa cháy, đồng thời hướng dẫn tám người bị nạn thoát ra ngoài an toàn.
Tại buổi lễ truy điệu ba liệt sĩ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an đã trao các quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất của Chủ tịch nước và quyết định cấp Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ cho thân nhân ba liệt sĩ. Đây thực sự là tổn thất, mất mát lớn đối với lực lượng Công an nhân dân cũng như gia đình, người thân của các liệt sĩ trong cuộc chiến chống “giặc lửa”…
Theo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), trong sáu tháng của năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiệt hại về tài sản khoảng hơn 414 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm 306 vụ, giảm 12 người chết, giảm 35 người bị thương, nhưng thiệt hại về tài sản tăng khoảng hơn 128 tỷ đồng.
Ngoài ra, xảy ra 1.778 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân và cháy cỏ, rác. Về loại hình xảy ra cháy có 322 vụ cháy nhà dân; 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Còn lại là các vụ cháy phương tiện giao thông, cháy nhà ở kết hợp kinh doanh, cháy chung cư và cháy quán bar, karaoke… Đáng chú ý, trong tháng 7 vừa qua, toàn quốc xảy ra 154 vụ cháy làm chết sáu người, bị thương ba người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng hơn 77 tỷ đồng. So với tháng 6 trước đó, số vụ cháy tăng 35 vụ, số người chết tăng bốn người, số người bị thương giảm sáu người; thiệt hại về tài sản giảm 235,01 tỷ đồng…
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH, lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an trong công tác PCCC và CNCH; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC và CNCH theo kế hoạch công tác; tham mưu tổ chức sơ kết thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; tổng kết phong trào toàn dân PCCC và CNCH giai đoạn 2018-2021 và phát động phong trào xây dựng điển hình tiên tiến trong công tác PCCC và CNCH.
Đồng thời, Cục tập trung chỉ đạo, đôn đốc công an các địa phương thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với chợ, trung tâm thương mại; đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC cơ sở chế biến gỗ, cơ sở sản xuất cao-su; tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; chủ động, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về PCCC; triển khai thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ, bảo đảm an toàn PCCC tại các sự kiện chính trị, lễ hội lớn của đất nước; tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ hiệu quả các tình huống cháy nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Cùng với đó, các đơn vị sẽ hoàn thành lập quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đồng bộ với quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa phương; hoàn thiện và triển khai Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố; tiếp tục thực hiện các đề tài khoa học, đăng ký và triển khai nhiệm vụ khoa học mới mang tính ứng dụng cao; đẩy mạnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4 trong lĩnh vực PCCC và CNCH trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an theo quy định…
Các vụ cháy thường xảy ra vào rạng sáng, đêm khuya hoặc khi người dân đang ngủ. Do vậy, trước khi đi ngủ và sau khi ra khỏi nhà mọi người trong gia đình phải kiểm tra kỹ các nguồn lửa, nhiệt như nhang đèn, hệ thống điện, khu vực bếp, xe máy, ô-tô. Không nên để xe máy, ô-tô và các vật dụng chắn hết lối đi, lối thoát nạn. Mỗi gia đình nên lắp đặt thiết bị báo cháy; trang bị các dụng cụ chữa cháy như bình chữa cháy, búa tạ, khoan, máy đục,… để khi xảy ra cháy có thể phá tường, mái tôn thoát hiểm; đồng thời, nắm rõ các lối thoát hiểm trong nhà và gọi ngay số điện thoại 114 để được giúp đỡ. Bộ Công an cũng vừa thành lập Hiệp hội PCCC và CNCH, hiệp hội là chiếc cầu nối giữa nhân dân và Nhà nước, qua đó đưa các chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật về PCCC và CNCH đến gần người dân hơn.
Thượng tá NGUYỄN KIM OANH Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh Yên Bái)
Hiện nay có nhiều công ty, xưởng sản xuất, quán karaoke,… không bảo đảm công tác PCCC hoặc không trang bị các dụng cụ, thiết bị PCCC. Các công nhân, người lao động tại các đơn vị sản xuất không được tập huấn, trang bị các kiến thức về PCCC và CNCH. Một số cơ sở, đơn vị sau khi bị lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH phát hiện xử phạt hành chính, thậm chí đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về PCCC, nhưng chủ cơ sở vẫn không khắc phục sai phạm. Qua đó cho thấy các chế tài xử phạt các vi phạm về PCCC đối với các cá nhân, tổ chức vẫn còn nhẹ, thiếu tính răn đe; có biểu hiện nhờn luật. Do đó, cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực PCCC theo hướng tăng nặng các mức phạt…
Luật sư HOÀNG VĂN CHIỂN (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)