Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm gần đây, tình hình mua, bán người tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Cận Đông và châu Á-Thái Bình Dương. Nạn nhân là những người dễ bị tổn thương, bao gồm người di cư, phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi hoặc xuất thân trong các gia đình nghèo khổ, bất hòa; phần lớn bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động và một số bị ép buộc tham gia các nhóm vũ trang. Tội phạm mua, bán người thường hoạt động dưới băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là những tình nguyện viên trong các trại tị nạn, cơ sở y tế tư nhân, công ty xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân hoặc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc nạn nhân lừa bán ra nước ngoài. Tội phạm mua, bán người gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến an ninh chính trị của mỗi quốc gia. Đây cũng là trung tâm dẫn đến hàng loạt các hành vi vi phạm khác như nhập cư bất hợp pháp, làm giả giấy tờ, kinh doanh mại dâm, buôn bán ma túy.
Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng nạn mua, bán người. Đó là: tình trạng di cư, phân hóa giàu nghèo, bất ổn kinh tế, chính trị, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự phát triển không gian mạng và các nền tảng kỹ thuật số đã, đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua, bán người; chính sách mở cửa, hội nhập toàn cầu tạo cơ hội cho những kẻ mua, bán người di chuyển và đưa dẫn nạn nhân qua biên giới một cách dễ dàng, an toàn dưới danh nghĩa hợp tác làm ăn, thăm thân, du lịch.
Gần đây, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua, bán.
Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, qua gần 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua, bán người, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, công tác phòng, chống mua, bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về hòa nhập cộng đồng nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thời gian qua, thực hiện chương trình phòng, chống mua, bán người, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội, các cơ sở trợ giúp xã hội trên cả nước đã kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm nạn nhân bị mua, bán. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, một số cơ sở, địa chỉ đã được thành lập với chức năng hỗ trợ nạn nhân. Đó là Nhà Nhân ái tại Lào Cai và An Giang, Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển… Các mô hình đã và đang triển khai rất hiệu quả.
Tuy vậy, công tác phòng, chống buôn bán người rất phức tạp, cần sự phối hợp giữa các bên. Vì vậy, bốn bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao cùng ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là mốc quan trọng trong phòng, chống buôn bán người. Số vụ mua, bán người chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ án hình sự, song hậu quả lại nặng nề, đặc biệt nỗi đau thể xác, tinh thần khó chữa lành. Phòng, chống mua, bán người được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, Bộ Ngoại giao thường xuyên chỉ đạo cơ quan ở nước ngoài theo sát tình hình, kịp thời hỗ trợ nạn nhân về nước. Sau hai năm dịch bệnh, các nước điều chỉnh chính sách mở cửa, các dòng di cư quốc tế theo đó trở lại, sẽ xuất hiện dòng mua, bán người với chiêu lừa “việc nhẹ lương cao”. Việc ký kết quy chế với nhiều nội dung là cơ sở quan trọng giúp Bộ Ngoại giao làm tốt hơn công tác này…
Tại lễ ký, Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam Mihyung Park nhận định, mạng lưới mua, bán người đã ăn sâu, thẩm thấu khắp nơi, vươn tới những vùng khó khăn, bản làng sâu xa... Việc ký kết quy chế liên bộ thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên trong việc chung tay giải quyết vấn đề này. Ở góc độ toàn cầu, IOM đang hỗ trợ các nạn nhân hồi hương an toàn, tái hòa nhập bền vững, từ những năm 1990. Quy chế làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng bên, tạo tiền đề để các bên phối hợp hiệu quả, nhất là hỗ trợ nạn nhân hồi hương.
Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán có hiệu lực từ ngày 18/7, gồm 3 chương, 15 điều. Trong đó, có một số nội dung quan trọng và trách nhiệm phối hợp.
Cụ thể như: khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân mua, bán người, đại diện Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công an tại kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu liên quan đến nạn nhân bị mua, bán, các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam để thực hiện các thủ tục theo quy định hiện hành.
Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện việc tiếp nhận thông tin về nạn nhân bị mua, bán tự đến trình báo hoặc thông tin từ Ủy ban nhân dân cấp xã, công an cấp xã chuyển đến; phối hợp với cơ quan công an cùng cấp nơi nạn nhân tự đến trình báo và cơ quan giải cứu nạn nhân (Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chuyển tuyến họ về nơi cư trú hoặc cơ sở trợ giúp xã hội/cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo nguyện vọng của nạn nhân bị mua, bán.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh khi thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân bị mua, bán. Đồng thời, các cơ quan này thông báo cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận nạn nhân để thực hiện việc phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.
Để bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua, bán và người thân thích của họ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và xã hội, cơ sở trợ giúp xã hội/cơ sở hỗ trợ nạn nhân áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua, bán và người thân thích của họ theo quy định. Trường hợp cần thiết, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn đối với nạn nhân và người thân thích của họ tại cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, thông tin ngay cho cơ quan Công an cấp tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển cùng cấp để phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Cơ sở trợ giúp xã hội tiếp nhận nạn nhân bị mua, bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi. Cùng với đó, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm… cho nạn nhân trong thời gian lưu trú tại cơ sở trợ giúp xã hội; phối hợp cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú. Trường hợp trẻ em mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, cần làm thủ tục hưởng chế độ bảo trợ xã hội theo quy định; tổ chức các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng…