Với biến chủng Delta bùng phát trong sáu tháng qua, Việt Nam đã cố gắng ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch Covid-19. Mặc dù cũng đã chịu một số mất mát, tổn thất nhưng đến nay đã bước vào giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế kể cả về chiến lược chống dịch cũng như cách thức phục hồi kinh tế của các quốc gia sẽ giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, từng bước tái thiết lại nền kinh tế.
Các nước tăng nợ công, giảm lãi suất
Tăng nợ công để có những gói hỗ trợ quy mô lớn là công cụ cơ bản nhất để hỗ trợ nền kinh tế trong đại dịch, bên cạnh chính sách y tế cộng đồng để ngăn chặn lây nhiễm và hạn chế tử vong. Phần lớn các quốc gia đều sử dụng ngân sách nhà nước có quy mô lớn để cứu nền kinh tế, thực hiện an sinh xã hội cho các đối tượng chịu tổn thương lớn vì dịch bệnh, cứu giúp các doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn để không bị giải thể, phá sản.
Tại các nước ASEAN, đến tháng 6/2021 đã sử dụng các gói trợ cấp từ ngân sách lên tới gần 8% GDP để cấp phát tiền mặt cho người dân và lực lượng công nhân bị giãn cách, mất việc làm; hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa để có điều kiện tiếp tục hoạt động; trợ giúp tài chính cho các khu vực kinh tế chịu tổn thất lớn do đại dịch như hàng không, du lịch và các ngành nghề liên quan đến tiêu dùng nội địa; nhất là sử dụng ngân sách để củng cố khả năng ứng phó về tình trạng khẩn cấp trong bùng phát bệnh tật, chữa trị cũng như các chương trình tiêm chủng vắc-xin để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để có nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu chi hỗ trợ cho nền kinh tế, các nước đều phải tăng trần nợ công, ít nhất tăng thêm 10% so GDP (đối với các quốc gia có thu nhập trung bình) hay tăng thêm 20% so GDP (đối với các quốc gia có thu nhập cao). Đáng lưu ý, phần lớn các quốc gia đều có quan điểm mới trong tư duy cho rằng, để ứng phó với bối cảnh phi truyền thống, cũng cần những chính sách phi truyền thống. Rủi ro đại dịch biến hóa rất nhanh với nhiều biến chủng thì các chính sách, nhất là chính sách tài khóa phải có tốc độ biến hóa thích hợp. Việc mở rộng chính sách tài khóa tuy thế vẫn có những thời gian hạn định tùy theo quốc gia và kỷ luật tài khóa có thể sẽ được thiết lập lại trong 3 đến 5 năm tới.
Về chính sách tiền tệ, phần lớn các ngân hàng T.Ư áp dụng bốn giải pháp nghiệp vụ căn bản. Đó là: Cắt giảm lãi suất nhằm giảm bớt áp lực trên các thị trường vốn, tiền tệ cũng như hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế; mua tài sản là trái phiếu Chính phủ, trái phiếu ngân hàng thương mại, kể cả trái phiếu của doanh nghiệp để “bơm” thanh khoản, “bơm” tiền cho thị trường; cho vay các định chế tài chính và các định chế phi tài chính; “nới lỏng thể chế”, điều chỉnh các hệ số rủi ro trong tín dụng để giúp các ngân hàng thương mại cho vay nhiều khách hàng hơn với số tiền lớn hơn mà vẫn bảo đảm hệ số an toàn vốn tối thiểu (Hệ số CAR) theo quy định Basel.
Việt Nam cần có gói hỗ trợ quy mô đủ lớn
Từ những kinh nghiệm thực tiễn của thế giới về chính sách tài khóa và tiền tệ, để đáp ứng yêu cầu phục hồi kinh tế hiệu quả, Việt Nam cần các gói hỗ trợ quy mô đủ lớn thông qua việc tăng nợ công. Cũng như các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia có thu nhập trung bình, chính sách tài khóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Giải pháp có tính căn bản và cấp bách cho Việt Nam là tăng mức nợ công trên GDP hiện nay thêm khoảng 5% đến 7% GDP so với mức hiện nay vì vẫn trong phạm vi trần 60% Quốc hội cho phép.
Về gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới xấp xỉ 2% GDP cho nên có thể nâng lên khoảng 5% GDP, tương ứng khoảng 20 tỷ USD (khoảng 450 nghìn tỷ đồng). Nội dung của gói hỗ trợ này cần tập trung vào công tác an sinh xã hội, trước hết là hỗ trợ cho người dân, người lao động bị mất công ăn việc làm, giúp họ quay trở lại các nhà máy, khu công nghiệp mà vừa qua do khó khăn đã phải trở về quê. Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong các khu vực sản xuất, dịch vụ.
Gói hỗ trợ này có thể dành ra một ngân khoản thỏa đáng để hình thành quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp bị tổn thương nặng nề trong đại dịch, nay cần tiếp cận vay vốn tín dụng để phục hồi phát triển nhưng thiếu điều kiện. Ngoài ra cũng cần có gói cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp chịu tổn thất lớn đang cần dòng vốn để hoạt động với quy mô khoảng 20% tổng dư nợ trong nền kinh tế hiện nay (gần 10 triệu tỷ đồng).
Việc ngân sách cấp bù cho các doanh nghiệp vay vốn thì ngân sách không cần phải chi ngay mà để các ngân hàng thương mại tạm ứng thay cho ngân sách thông qua cơ chế lãi dự thu và sẽ được khấu trừ vào mức thuế mà các ngân hàng phải nộp cho ngân sách vào cuối niên độ kế toán. Cũng cần cho doanh nghiệp kết chuyển lỗ trong các năm đại dịch vào các năm sau để khấu trừ lợi nhuận trước khi nộp thuế thu nhập vì điều này hỗ trợ cho họ một lượng “tiền tươi thóc thật” bằng dòng tiền để khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Về chính sách tiền tệ, cần điều chỉnh thể chế tín dụng và các hoạt động của thị trường mở. Đó là tiếp tục thực hiện cơ chế khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu nợ cho người vay tiền ít nhất đến hết năm 2022. Bên cạnh đó, nới lỏng thể chế về quản trị rủi ro tín dụng thông qua các hệ số đánh giá rủi ro điều chỉnh. Các ngân hàng T.Ư trên thế giới thực thi các chuẩn mực quản lý rủi ro quốc tế vừa qua có sự nới lỏng các tiêu chí trong quản lý rủi ro. Cụ thể, họ vẫn giữ nguyên hệ số an toàn vốn tối thiểu, nhưng điều chỉnh các tỷ lệ xác định hệ số rủi ro theo hướng thấp xuống trong tài sản có, điều này không phải nhằm để cho vay dưới chuẩn, mà là hạ thấp chuẩn cho vay vì bối cảnh đại dịch.
Vấn đề rất thời sự hiện nay là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ như thế nào để trả lời câu hỏi ngân sách tăng nợ công thì vay của ai, vay thế nào. Yêu cầu này đặt ra sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Hiện nay, người dân nắm giữ một nguồn lực tiền tệ rất lớn, nhưng các nguồn lực đó đã được ký gửi vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng. Vậy, thay vì huy động dưới hình thức phát hành công trái Nhà nước như trước đây thì cần mở ra cơ chế cho các tổ chức tín dụng rất dư thừa thanh khoản có thể sử dụng lượng vốn dư thừa đó mua trái phiếu Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước nên mở rộng các công cụ về tái chiết khấu, thị trường mở và tái cấp vốn để cho phép các tổ chức tín dụng lấy các trái phiếu Chính phủ đó tiếp cận với các nghiệp vụ ngân hàng T.Ư để tái tạo nguồn tiền đồng để hoạt động kinh doanh. Nếu giải quyết được vấn đề này, ngân hàng thương mại sẽ mạnh dạn hơn trong việc mua trái phiếu Chính phủ, mặt khác cần nâng cao hiệu quả của các thị trường thứ cấp để các giấy tờ có giá được vận hành dưới điều kiện của thị trường hiệu quả. Thông qua cơ chế này, Ngân hàng Nhà nước nên từng bước nghiên cứu để đưa lợi suất trái phiếu Chính phủ như một tham chiếu quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.
TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia