Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển

Hoạt động trên địa bàn rộng, ở môi trường biển, đảo phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong duy trì thực thi pháp luật và bảo đảm an ninh - trật tự, an toàn trên biển; nhất là hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) bắt giữ xuồng chở 67.500 bao thuốc lá ESSE nhập lậu vào Việt Nam, tại vùng biển Quảng Ninh tháng 8-2018.
Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) bắt giữ xuồng chở 67.500 bao thuốc lá ESSE nhập lậu vào Việt Nam, tại vùng biển Quảng Ninh tháng 8-2018.

Vượt lên khó khăn

Nhiều năm chỉ đạo, tổ chức lực lượng của đơn vị đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển được giao đảm nhiệm, Ðại tá Nguyễn Văn Thiếu, Phó Tư lệnh Pháp luật, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 1 (BTL Cảnh sát biển Việt Nam) cho biết, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển rộng, trải dài gần 800 km, qua 10 tỉnh, thành phố ven biển, từ cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) đến đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị). Vùng biển này có hàng nghìn đảo ven bờ, nhiều cảng biển lớn, nhỏ, là cửa ngõ kinh tế biển của các trung tâm kinh tế phía bắc giao thương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là vùng biển nóng về an ninh trật tự, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trốn thuế…, diễn biến phức tạp. Trong đó, các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, thời tiết sương mù, sóng to, gió lớn, hoặc thời gian lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát ăn, ngủ để hoạt động. Ðáng chú ý, thời gian gần đây, các đối tượng còn sử dụng hình thức phi truyền thống trong việc buôn lậu, gian lận thương mại, điển hình như việc các đối tượng chuyển than vào các công-ten-nơ đưa lên tàu vận chuyển đem đi tiêu thụ, sau đó sử dụng hóa đơn để quay vòng nhằm qua mắt lực lượng chức năng...

Ðể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hằng năm, Ðảng ủy, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã tập trung quán triệt, triển khai có hiệu quả chủ trương của Ðảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (CBL, GLTM và HG) trong tình hình mới; các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, BTL Cảnh sát biển, Ban Chỉ đạo quốc gia CBL, GLTM và HG (Ban Chỉ đạo 389) các cấp. Trong đó, coi trọng giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đi đôi tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là lực lượng cảnh sát viên, trinh sát viên, cán bộ, chiến sĩ các Hải đội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mở các đợt cao điểm đấu tranh CBL, GLTM và HG; phòng, chống tội phạm, ma túy thường xuyên, cũng như từng thời kỳ, giai đoạn. Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, đi sâu rà soát nắm vững các khu vực, địa bàn trọng điểm, nắm chắc thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm để xác định cụ thể đối tượng, đề ra hình thức, biện pháp đấu tranh bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhất là trong các đợt cao điểm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Ðồng thời, tổ chức phát động các đợt thi đua "Tháng hành động cao điểm" đấu tranh CBL, GLTM và HG, với nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể, thiết thực. Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đề cao trách nhiệm, kiên trì bám địa bàn, bám biển, chủ động khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật. Thực hiện tốt chủ trương lấy điều tra cơ bản làm gốc, biện pháp trinh sát làm mũi nhọn, nắm chắc tình hình địa bàn, phát huy tốt sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ các lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường trong đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, vi phạm trên biển.

Phối hợp đấu tranh với các loại tội phạm

Vừa cùng đồng đội hoàn thành chuyến công tác từ vùng biển trở về, Thiếu tá Nguyễn Hữu Ðạt, Ðội trưởng Ðội chống vi phạm an ninh, thuộc Phòng Trinh sát, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đội gặp không ít khó khăn, bởi địa bàn rộng, quân số của đội còn mỏng; hoạt động trên biển điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có sóng to, gió lớn; trang bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ như: ống nhòm, thiết bị nhìn đêm, roi điện… còn lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những năm gần đây, các đối tượng tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại sử dụng thủ đoạn rất tinh vi, manh động, sẵn sàng có hành động chống đối lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ. Trong khi đó, lực lượng trinh sát thường hoạt động độc lập, đơn lẻ, xa đơn vị, xa sự chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp... Tuy nhiên, những năm qua, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đội luôn xác định rõ nhiệm vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Một kỷ niệm không quên đối với Thiếu tá Ðạt, đó là vào dịp Quốc khánh 2-9 năm 2016, chưa đến phiên trực, anh Ðạt được chỉ huy đơn vị cho về nghỉ tại gia đình ở TP Hải Phòng. Tối ngày 2-9, anh Ðạt nhận được lệnh của cấp trên phải về đơn vị gấp để nhận nhiệm vụ. Sau 30 phút, anh Ðạt kịp thời có mặt tại đơn vị để cùng cán bộ, nhân viên trong tổ công tác lên xuồng trinh sát từ vùng biển Hải Phòng cơ động hơn 40 km có mặt tại vùng biển Quảng Ninh. Ðến 12 giờ đêm, tổ công tác của Thiếu tá Ðạt tiếp cận được tàu chở than có dấu hiệu vi phạm pháp luật; lên tàu kiểm tra, chủ tàu này có nhiều sai phạm như: hồ sơ, giấy tờ không chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa. Do vậy, tổ công tác đã yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng đưa phương tiện về Hải Phòng để điều tra, xác minh, xử lý. Tuy nhiên, thuyền trưởng tàu vi phạm này không chấp hành. Do vậy, tổ công tác đã kịp thời báo cáo cấp trên và được tăng cường lực lượng đến trực tiếp phối hợp giải quyết. Sau ngày 3-9, tổ công tác mới đưa được tàu này về bến Gót, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng; tiến hành điều tra, xác minh hàng hóa trên tàu, đã tịch thu hơn 1.000 tấn than lậu chở trên tàu nêu trên.

Ðược biết, những năm qua, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã tiến hành hàng trăm đợt kiểm tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Trong đó, đã kiểm tra hàng nghìn lượt tàu, thuyền có dấu hiệu vi phạm, đồng thời phối hợp các cơ quan, đơn vị chức năng khởi tố nhiều vụ án hình sự vận chuyển trái phép vật liệu nổ, hàng hóa trái phép qua biên giới, tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2018, BTL Vùng Cảnh sát biển 1 đã phát hiện, bắt giữ, điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm, đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 18 vụ, với tổng số tiền hơn 772 triệu đồng; tịch thu hơn 7.772 tấn than các loại; gần 25 nghìn kg dầu FO, hơn 39 nghìn lít dầu DO... Phối hợp Công an TP Hải phòng triệt phá thành công sáu vụ, bắt bảy đối tượng có hành vi mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy…

Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy BTL Cảnh sát biển Việt Nam cho biết, 20 năm qua, trong đấu tranh trấn áp tội phạm, vi phạm trên biển, với sự mưu trí, gan dạ, thậm chí chấp nhận cả hy sinh, những người lính trinh sát Cảnh sát biển đã điều tra, xác minh, bắt giữ hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Cùng với đó, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã triển khai chặt chẽ các hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến biển trọng điểm về ma túy, phối hợp các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan..., điều tra, khám phá, triệt phá nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn. Bên cạnh những kết quả tiêu biểu, những vụ án lớn về xăng dầu, than, khoáng sản, chuyên án lớn về ma túy, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam còn triệt phá nhiều vụ án về buôn lậu thuốc lá, vận chuyển tiền giả với số lượng lớn...

Có thể khẳng định, kết quả trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần làm giảm đến mức thấp nhất tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, bảo vệ nền sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế đất nước; đồng thời cùng các lực lượng chức năng khác giữ nghiêm kỷ cương, pháp luật, duy trì an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển của Tổ quốc.

Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 39 tàu cùng 169 đối tượng; tang vật thu giữ: hơn 6.837 tấn than, hơn 10 triệu lít xăng, dầu, 727,842 tấn quặng sắt, hơn 1.485 tấn clanh-ke, 47,4 kg pháo, 20 tấn hàu và 5.000 thùng sứa, bảy khẩu súng hơi và các loại hàng hóa khác như: tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, rượu ngoại, thuốc lá...

20 năm qua, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chuyên trách của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan..., điều tra, khám phá 1.529 chuyên án, vụ án, trong đó tiến hành khởi tố 365 vụ cùng 399 đối tượng; bắt giữ 2.886 đối tượng; tang vật thu giữ gồm: 8,16 tấn nhựa cần sa, hơn 153 kg cần sa khô, 1.959 bánh hê-rô-in, hơn 198 kg và 137 nghìn viên ma túy tổng hợp, 70 khẩu súng, hơn 1.348 viên đạn các loại, 137 xe ô-tô, 462 xe máy, hơn 16 tỷ đồng và nhiều vật chứng liên quan khác...