Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại Hà Nam

NDO -

Chiều 22-8, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Tính đến ngày 15-8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh Hà Nam đạt 61,2%, là một trong 10 tỉnh, thành phố cả nước có tỷ lệ giải ngân hơn 50%; trong đó có một số dự án có tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Tỉnh Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, bao gồm cả vốn kéo dài từ các năng trước đến hết năm 2020.

Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn Tiểu dự án TP Phủ Lý - dự án sử dụng vốn ODA; đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế đẩy nhanh tiến độ dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 tại Hà Nam.

Về tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan T.Ư tiếp tục tạo điều kiện bằng các cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của tỉnh Hà Nam tìm kiếm thị trường thay thế nhập nguyên liệu; tạo thuận lợi xuất khẩu hàng hóa, xem xét cơ chế giảm, giãn lãi suất, cơ cấu lại nợ phải trả; hỗ trợ giãn, giảm phí, thuế, tiền sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam có 20 doanh nghiệp tạm dừng sản xuất, 97 doanh nghiệp bị ảnh hưởng giảm từ 30-70% doanh thu. Các doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu chủ yếu là nhóm ngành dệt may, thiết bị điện tử, mỹ ký. Nguyên nhân sụt giảm là do khó khăn trong việc xuất, nhập nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao. Tổng số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 13.916 lao động, chiếm 9,5% tổng số lao động.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đánh giá cao những kết quả tỉnh Hà Nam đã đạt trong phát kinh tế-xã hội và giải ngân vốn đầu tư công.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Nam cần tập trung, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020; tỉnh Hà Nam tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội, có những đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tư duy đột phá trong phát triển, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, nhất là thu hút các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài, quan tâm phát triển hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực để thu hút đầu tư theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh, chủ động đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; tăng cường quản lý đầu tư trên địa bàn; đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để khởi công nhà máy sản xuất lắp ráp ô-tô Hồng Đức.

Tỉnh cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020.

Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ đầu tư công. Người đứng đầu chính quyền các cấp của tỉnh cần tích cực, chủ động rà soát tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, bảo đảm nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Về kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành liên quan nghiêm túc nghiêm cứu, xem xét, rà soát để cùng tỉnh tháo gỡ.

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ cấp thiết