Phổ biến ngay các thông tin về hội nhập

NDO -

NDĐT - Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, trong quá trình hội nhập, các cơ quan của Chính phủ nên phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, phổ biến ngay những thông tin về hội nhập cho doanh nghiệp. Các thông tin có thể công bố, phổ biến được nên lập tức công khai, để có thể tận dụng tốt các cơ hội rộng mở.

Doanh nghiệp cần biết được các thông tin về hội nhập để có thể tận dụng cơ hội kinh doanh (Ảnh minh hoạ: Trần Hải).
Doanh nghiệp cần biết được các thông tin về hội nhập để có thể tận dụng cơ hội kinh doanh (Ảnh minh hoạ: Trần Hải).

Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có trao đổi về một số chính sách với doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Hỏi: Có ý kiến của một vị lãnh đạo ngành cho rằng, ông trăn trở khi doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn nhỏ, manh mún, sản xuất nhỏ, chủ yếu làm dịch vụ mua bán. Với lực lượng doanh nghiệp như thế, khó có thể hình thành một nền kinh tế mạnh và độc lập. Ông nhận xét gì về quan điểm này?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Nói một cách công bằng, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam phổ biến là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực đã tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế trong những năm qua, đặc biệt đóng góp rất lớn trong giải quyết việc làm. Sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ chính là khu vực có sức bền nhất trong quá trình phát triển thời gian qua.

Việt Nam có gần 96% là doanh nghiệp cỡ nhỏ và siêu nhỏ. Chưa đầy 2% là doanh nghiệp lớn, và một con số tương đương như vậy doanh nghiệp cỡ vừa. Việc nền kinh tế Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, đẳng cấp, cũng dễ hiểu, vì chúng ta mới chuyển sang kinh tế thị trường. Chưa có một đội ngũ đông đảo doanh nghiệp cỡ vừa là vấn đề của nước ta. Chỉ có doanh nghiệp cỡ vừa và lớn mới có đủ sức trở thành trung tâm kết nối được nền kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Ngôn ngữ của giai đoạn hội nhập là ngôn ngữ chuỗi. Và chuỗi chỉ có thể hình thành trên cơ sở có vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, chứ các doanh nghiệp nhỏ “li ti” không thể kết nối với các chuỗi giá trị cỡ lớn được. Chính các doanh nghiệp cỡ vừa là cứu tinh của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Quá trình phát triển của doanh nghiệp không thể hôm qua siêu nhỏ, hôm nay là doanh nghiệp lớn, mà đòi hỏi quá trình phát triển tuần tự. Đây sẽ là giai đoạn cần một đội ngũ đông đảo doanh nghiệp cỡ vừa, phù hợp sức vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam, và đáp ứng được yêu cầu, chuẩn mực của hội nhập.

Phải nói thêm rằng, trong điều kiện của của kinh tế Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp cỡ vừa có sức cạnh tranh tương đối tốt. Tôi kỳ vọng vào các doanh nghiệp cỡ vừa, và hy vọng có những chính sách thúc đẩy, hình thành nhanh chóng đội ngũ này, để họ có thể trở thành đầu mối liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ, để họ có thể trở thành doanh nghiệp lớn trong tương lai.

Chúng ta đang rất cần một chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để họ có thể lớn lên, trở thành doanh nghiệp cỡ vừa trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, với hạn chế về quy mô, trình độ quản trị và công nghệ, đứng trước yêu cầu của giai đoạn hội nhập mới, cần có sự chuyển động mạnh mẽ ở khu vực này. Cần có sự tái cấu trúc rất mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn. Do bản năng tồn tại trước thị trường, bản thân các doanh nghiệp phải vận động, nhưng môi trường chính sách, hệ thống thể chế, đặc biệt là thủ tục hành chính, vì thủ tục hành chính bao giờ cũng đè nặng nhất lên doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho nên, cần cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng minh bạch, bình đẳng, thuận lợi về thủ tục hành chính sẽ là một giải pháp vô cùng quan trọng để cởi trói cho doanh nghiệp ở khu vực này.

Thí dụ, bây giờ có các biện pháp như giãn, hoãn, giảm, xoá thuế cho doanh nghiệp là hợp lý. Tuy nhiên, quá trình đó cần thực hiện một cách công khai, minh bạch, hạn chế tối đa cơ chế xin - cho. Với mọi chủ trương, mục tiêu đề ra là chính xác, nhưng quan trọng là cách thức, bảo đảm công khai, minh bạch với sự giám sát của người dân.

Bên cạnh đó, cần có một chương trình hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Trong đó, gồm các biện pháp hỗ trợ để họ có thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ, thị trường. Tôi nghĩ, bên cạnh tạo một môi trường bình đẳng, minh bạch, thuận lợi, điều này sẽ tác động trước hết và rất lớn đến khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hỏi: Thời gian tới, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và chuẩn bị gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra rất mạnh?

Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Với doanh nghiệp, điều quan trọng sống còn với họ là nhanh chóng tiếp cận với những thông tin về hội nhập, về các FTA đã được ký kết. Trên cơ sở đó, phân tích được ảnh hưởng của lộ trình mở cửa, lộ trình giảm thuế đối với ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp của họ.

Trên cơ sở đó, phải chuẩn bị một chương trình hành động để thích ứng, tận dụng cơ hội và vượt lên thách thức. Chương trình hành động của các doanh nghiệp trong bối cảnh mới không thể mang tính chất riêng lẻ cho từng doanh nghiệp, mà phải đặt trong chuỗi liên kết, trong thế liên kết với các doanh nghiệp khác.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có thể “ra khơi” và cạnh tranh thắng lợi nếu đặt trong một chuỗi giá trị, trong một thế liên kết với các doanh nghiệp khác. Một mặt, các doanh nghiệp phải cạnh tranh trong nước, để cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Mặt khác, doanh nghiệp có cơ hội lớn hơn để xuất khẩu các mặt hàng ra nước ngoài. Cơ hội rất lớn, và thị trường có thể là vô tận, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng để tận dụng được lợi thế này không đơn giản chút nào. Giờ đây, các doanh nghiệp phải định vị lại thị trường, hướng ngay vào các thị trường của các nước tham gia FTA, đặc biệt là TPP, bởi vì các thị trường đó có mức ưu đãi, mức thuế thuận lợi nhất (hầu hết sẽ giảm về 0).

Thứ hai, doanh nghiệp phải tìm ngay những đối tác trên các thị trường này để thiết lập các quan hệ kinh doanh.

Thứ ba, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu về xuất xứ. Trước kia, doanh nghiệp có thể mua nhiều nguyên - vật liệu từ Trung Quốc, các nước ngoài TPP, để sản xuất hàng xuất khẩu. Bây giờ, để hưởng những quy chế ưu đãi về thuế quan trong TPP, doanh nghiệp buộc phải sử dụng các nguyên liệu nội khối nhiều hơn.

Đối với thị trường, đặc biệt là thị trường các nước tham gia TPP, đòi hỏi gắt gao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, muốn xuất khẩu vào thị trường này phải thông qua các rào cản kỹ thuật. Vì vậy, doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, bảo đảm thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, và các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường. Vì thế, doanh nghiệp phải có sự thay đổi về quản trị - công nghệ.

Doanh nghiệp chủ động là một việc. Còn sự hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức xúc tiến cũng vô cùng quan trọng. Các cơ quan của Chính phủ phải phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp, tiến hành phổ biến ngay các thông tin về hội nhập. Những thông tin có thể công bố, phổ biến được nên lập tức công khai cho doanh nghiệp biết, tư vấn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để có thể tận dụng tốt các cơ hội rộng mở.