Kết quả thu được sau năm năm triển khai thực hiện chương trình hành động quốc gia về phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở Sơn La đã mang lại hiệu quả xã hội tích cực. Chương trình 212 đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc thực hiện tốt đường lối của Ðảng, chủ trương, pháp luật của Nhà nước, ngăn chặn và hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội.
Năm năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 39.975 cuộc tuyên truyền PBGDPL cho hơn 4.580.000 lượt người nghe. Hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Ở Sơn La không có điểm nóng, khiếu kiện đông người, vượt cấp xảy ra, tỷ lệ các vụ hòa giải thành công ở cơ sở hằng năm đạt hơn 87%. Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng khu dân cư tiên tiến, xã, phường, thị trấn không có tệ nạn xã hội xuất hiện ngày càng nhiều. Ðặc biệt, tình hình tệ nạn ma túy nhức nhối ở Sơn La có lúc trở thành vấn đề xã hội bức xúc đã được ngăn chặn và đẩy lùi. Kết quả đó có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền GDPBPL, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới.
Kết quả trên rất đáng ghi nhận, song chương trình 212 PBGDPL cần điều chỉnh, bổ sung, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn. Ðặc biệt là chương trình PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, vùng cao biên giới. Ở đề án thứ nhất, đưa thông tin pháp luật đến cán bộ, nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết chế thông tin văn hóa cơ sở. Sơn La là một tỉnh miền núi biên giới, ra khỏi khu vực đô thị, thị trấn, thị xã, báo chí và ấn phẩm văn hóa đã bị hạn chế nhiều, bởi trình độ dân trí, ngôn ngữ, đặc điểm tập quán các dân tộc là những rào cản làm cho công tác PBGDPL đến tận người dân gặp khó khăn. Ðề án thứ hai, do MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên chủ trì thực hiện tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật có nhiều cố gắng, mang lại kết quả tốt. Toàn tỉnh có 3.123 tổ hòa giải cơ sở, với 12.495 hòa giải viên. Hoạt động câu lạc bộ của Hội Phụ nữ, CCB thực hiện lồng ghép nhiệm vụ công tác hội với PBGDPL mang lại kết quả khá, song mới dừng ở nội dung tuyên truyền vận động chung chung. Nhiều nội dung quy định pháp luật mới liên quan đời sống người dân chưa được cụ thể hóa. Ðề án thứ ba, do thanh tra tỉnh chủ trì, nhằm tăng cường PBGDPL về Luật Khiếu nại tố cáo. Một kết quả điều tra cho thấy 11% số người dân ở khu vực thị trấn, thị xã được hỏi không biết có luật này. Như vậy, đối với vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, con số này còn cao hơn rất nhiều. Ðối với các tủ sách pháp luật ở xã, bưu điện văn hóa xã, nhiều nơi sách báo có nhưng đắp đống không sử dụng, hiệu quả chưa cao.
Ðể đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống của đồng bào các dân tộc, cần giải quyết đồng bộ các cơ chế chính sách, tập trung cho công tác tuyên truyền, trong đó có PBGDPL. Vấn đề cần quan tâm chính là hiệu quả của chương trình 212. Ðối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, trình độ dân trí hạn chế, không thể tiếp thu được các nội dung PBGDPL trừu tượng, khó hiểu. Vì vậy, biện pháp tổ chức thực hiện, xác định đối tượng tiếp nhận thông tin, soạn thảo các nội dung PBGDPL, mức độ, phạm vi cho phù hợp cần được quan tâm đúng mức.
Ðối với đồng bào các dân tộc ở Sơn La, cần căn cứ vào đặc điểm dân tộc, trình độ dân trí, vùng miền để chỉ đạo các cơ quan phụ trách đề án soạn thảo được những cuốn 'cẩm nang' pháp luật thật ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu. Ðối với những luật liên quan thiết thực trong đời sống hằng ngày của người dân, như: Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Bảo vệ rừng... cần giao cho các cơ quan, tổ chức liên quan soạn thảo, phổ biến. Kết hợp cả việc phổ biến giáo dục với việc chấp hành luật. Thí dụ: triển khai thực hiện Luật Giao thông đường bộ, bà con vùng sâu, vùng xa ra thành phố, thị trấn thường bỡ ngỡ, chưa hiểu luật, thì nên áp dụng biện pháp nhắc nhở, dặn dò chỉ bảo, hơn là xử phạt sẽ có tác dụng tâm lý tốt hơn.
Ðể tiếp tục thực hiện chương trình PBGDPL, ngoài việc triển khai đồng bộ các nội dung, đề án, tỉnh Sơn La cần quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cấp xã, bản. Ðây là cầu nối rất quan trọng ở cơ sở, hằng ngày, hằng giờ cán bộ xã, bản, nhất là cán bộ phụ trách tư pháp xã sống gần gũi, gắn bó với nhân dân. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ hiểu biết và chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ cơ sở là điều kiện cần để làm tốt PBGDPL. Ngoài ra, quan tâm đối tượng là các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc xây dựng các hương ước, quy ước bản, dòng họ trong việc PBGDPL, thông qua đây đưa pháp luật đi vào hiện thực cuộc sống của đồng bào.