Phnom Penh tiếp tục áp dụng biện pháp hành chính phòng, chống dịch Covid-19

NDO -

Thị trưởng Phnom Penh Khuong Sreng vừa ra quyết định tiếp tục thi hành biện pháp hành chính tại Thủ đô từ ngày 15 đến 28-4, trong khi số bệnh nhân Covid-19 nhiễm mới và tử vong trên địa bàn hiện ở mức nghiêm trọng.

Một trường học tại Phnom Penh tạm sử dụng làm nơi tiêm vaccine phòng Covid-19.
Một trường học tại Phnom Penh tạm sử dụng làm nơi tiêm vaccine phòng Covid-19.

Theo đó, quyết định ra ngày 13-4, đề nghị các nhà hàng, quán ăn, khách sạn tạm ngừng việc phục vụ khách ăn uống tại chỗ, tuy nhiên có thể bán hàng theo hình thức gói mang đi. Đồng thời, việc đi lại, tụ tập, ăn uống tập thể (ngoại trừ những trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép) từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau cũng bị nghiêm cấm trên toàn thành phố.

Những quy định trên được nhà chức trách Phnom Penh đưa ra trong bối cảnh 24 giờ qua tại đây đã có thêm ba bệnh nhân Covid-19 tử vong và 140 ca nhiễm mới. Trong khi đó, theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia, sáng 13-4, đã có thêm hai tỉnh biên giới phát hiện người nhiễm virus SAR-CoV-2, là Preah Vihear (giáp Thái Lan, Lào) và  Kratie (giáp tỉnh Bình Phước của Việt Nam).

Trước việc 17/25 tỉnh và thành phố trong cả nước có người nhiễm Covid-19 xuất phát từ “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, chính quyền Thủ đô Phnom Penh nói riêng và các địa phương đã đề ra nhiều biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu tác động nặng nề của dịch bệnh.

Theo đó, cơ quan y tế Phnom Penh tạm sử dụng một số trường học, khách sạn, trung tâm tổ chức hội nghị, cưới hỏi làm nơi lấy mẫu xét nghiệm, cách ly và chăm sóc, chữa bệnh cho những người nhiễm virus SAR-CoV-2. Trong khi đó, một số tỉnh như Siem Reap, Battambang... đã cho đóng cửa nhiều khu chợ để truy vết các ca nghi nhiễm và đề phòng lây lan dịch trong cộng đồng.

Năm nay, người dân Campuchia đón lễ Chol Chhnam Thmey cổ truyền từ 14 đến 16-4, với tinh thần “Vui Tết tại nhà”. Trước đó, Chính phủ đã ban hành quy định tạm thời hạn chế đi lại giữa các tỉnh, thành phố để ngăn chặn đợt lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lần thứ ba, đang ở mức độ nghiêm trọng chưa từng có.

Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới đã bày tỏ sự đánh giá cao những nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ Hoàng gia Campuchia, trong đó có hoạt động tiêm vaccine phòng dịch miễn phí cho toàn dân cũng như người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại đây.

Theo thống kê, từ tháng 2 đến ngày 11-4, Campuchia đã tiêm chủng cho khoảng một triệu dân thường và quân nhân, với ba loại vaccine: Sinopharm, AstraZeneca và Sinovac. Biện pháp phòng, chống dịch quan trọng này đã được Chính phủ đưa vào Nghị định về nghĩa vụ tiêm vaccine phòng dịch Covid-19, ban hành ngày 11-4 vừa qua.

Theo đó, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người làm việc trong cơ quan hành pháp, lập pháp, tòa án và cá nhân làm nghề đặc thù theo quy định của Bộ Y tế là những đối tượng thuộc phạm vi áp dụng nghị định trên. Văn bản này cũng ghi rõ, những cá nhân không thực hiện nghĩa vụ tiêm chủng phòng dịch sẽ chịu kỷ luật của cơ quan chủ quản và quy định của pháp luật.

 Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến sáng 13-4, cơ quan này phát hiện thêm 181 ca dương tính virus SAR-CoV-2, trong đó có ba ca nhập cảnh và 178 ca lây nhiễm cộng đồng. Từ tháng 1-2020 đến nay, Campuchia xác định tổng cộng 4.696 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 4.160 ca liên quan đến “Sự cố lây nhiễm cộng đồng 20-2”, 2.252 người đã hồi phục và 33 bệnh nhân tử vong.

Cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ ba