Phim Việt cuối năm ra rạp không như kỳ vọng

Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, loạt phim Việt vừa ra rạp đã bị chê là “thảm họa” và lép vế về doanh thu, đi ngược kỳ vọng của khán giả. Hời hợt về mặt nội dung, thiếu giá trị thẩm mỹ, mắc nhiều lỗi kỹ thuật, ham quảng cáo cho các nhãn hàng... là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều ê-kíp sản xuất phim trắng tay.
0:00 / 0:00
0:00
Một cảnh trong “Huyền sử vua Ðinh”, bộ phim thất bại về doanh thu khi ra rạp. (Ảnh Ðoàn phim cung cấp)
Một cảnh trong “Huyền sử vua Ðinh”, bộ phim thất bại về doanh thu khi ra rạp. (Ảnh Ðoàn phim cung cấp)

Đầu tháng 12/2022, phim “Huyền sử vua Ðinh” của đạo diễn Anthony Võ với nội dung về vua Ðinh Tiên Hoàng đã dừng chiếu sau 10 ngày ra rạp, thu về khoảng 43 triệu đồng, doanh thu thấp nhất trong số phim chiếu rạp. Ngoài việc bị chê kịch bản ôm đồm, mắc nhiều lỗi kỹ thuật, ê-kíp làm phim còn nhận bài học lớn khi đã chạm vào thể loại chính sử mà không khai thác đủ chiều sâu, đến nơi đến chốn. Thay vì khai thác những lát cắt nổi bật, đạo diễn đã tóm tắt cuộc đời vua Ðinh Tiên Hoàng trong 78 phút phim. Chưa kể, hành động, tâm lý của nhân vật chính trong những cảnh quan trọng hay mối quan hệ với các nhân vật mật thiết đều không được khai thác kỹ.

Phim quá nhiều tuyến nhân vật, nhưng đa số vai chỉ xuất hiện lướt qua, không để lại ấn tượng rõ nét. Tạo hình, phục trang sơ sài, khán giả phát hiện trong một vài cảnh quay, diễn viên quần chúng nhuộm tóc vàng, lọt hình ảnh cột điện, gian nhà cấp bốn hiện đại... là điểm trừ đáng kể. Tương tự, tháng 11/2022, phim “Virus cuồng loạn” của đạo diễn Nhất Duy cũng khiến khán giả thất vọng bởi nội dung lủng củng, kỹ xảo yếu, doanh thu toàn đợt chiếu đạt khoảng 157 triệu đồng.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường điện ảnh cho biết, điều đáng chú ý là không chỉ các dự án kinh phí thấp mới xảy ra lỗi, khiến khán giả thất vọng mà nhiều phim có mức đầu tư cao, được quảng bá, truyền thông rầm rộ vẫn bị chê là “thảm họa” và lỗ nặng. Ðạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, kinh phí trung bình cho một phim chiếu rạp trong nước là 15 tỷ đồng. Xét tỷ lệ ăn chia với nhà rạp, nhà sản xuất nhận về được khoảng 40-45% doanh thu, do đó mỗi phim cần đạt hơn 30 tỷ đồng mới có thể hòa vốn.

Ðại diện CGV - hệ thống rạp lớn nhất Việt Nam - cho biết tổng doanh thu phim trong nước năm qua đạt 720-730 tỷ đồng, chiếm 24-25% thị phần. So với năm 2019, trước khi bùng phát dịch Covid-19, thị trường phim Việt chỉ bằng 60-61%. Trong 35 dự án phát hành, 18 phim thu về dưới 10 tỷ đồng, 10 phim dưới một tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thất bại, đạo diễn Charlie Nguyễn nhận định, một trong những điểm yếu lớn nhất vẫn là kịch bản. Nhiều nhà sản xuất bỏ kinh phí đầu tư phim thường chỉ quan tâm tới quảng bá thương hiệu, thậm chí điều chỉnh nội dung, thay diễn viên... và khi thất bại đổ lỗi khâu truyền thông, đạo diễn... Tuy nhiên, lý do chính khiến phim chưa hấp dẫn là kịch bản còn yếu, chưa kể ra được một câu chuyện đủ hấp dẫn khán giả, và toàn bộ các khâu khác có liên quan cũng chưa bắt kịp thị hiếu khán giả đang thay đổi từng ngày. “Lúc làm phim, người ta theo xu hướng, nhưng khi phim ra rạp, xu hướng đã thay đổi. Nghĩa là mọi thứ đã bị chậm, cũ ngay từ đầu mà không có tính dự báo. Thị trường rất công bằng. Nếu phim tốt, khán giả tự khắc đón nhận”, đạo diễn Charlie Nguyễn nói.

Trong nhịp chuyển động hân hoan chào xuân, sẽ còn nhiều dự án phim được công chiếu trong chính những ngày Tết Nguyên đán 2023, nhưng nỗi lo về phim hài nhảm, nội dung chèn nhiều quảng cáo nhãn hàng... vẫn khiến khán giả thấp thỏm. Giám đốc phát hành Galaxy Ðặng Vĩnh Hoàng chia sẻ, nhiều nhà sản xuất lo ngại phim chiếu rạp dịp Tết thì ít khán giả mua vé, tuy nhiên điều này không đáng bận tâm bởi nhu cầu thưởng thức và thị hiếu khán giả đã thay đổi đáng kể, đặc biệt là sau giai đoạn ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vấn đề là phải có những tác phẩm thật hay, chạm đến cảm xúc người xem thì mới mong có doanh thu bùng nổ.

Thực tế những năm qua, phim Tết thành công, đạt doanh thu trăm tỷ, được khán giả đón nhận đều là những phim khá hoàn thiện từ nội dung đến hình thức, lan tỏa tới khán giả thông điệp mang ý nghĩa nhân văn. Ðiều đó đòi hỏi sự kết hợp của một kịch bản tốt, dàn dựng công phu, diễn viên phù hợp và tư duy đổi mới, sáng tạo. Giới làm phim nhận định, Tết chính là dịp điện ảnh trong nước tạo ấn tượng, niềm tin với khán giả, là bước tạo đà vững vàng cho một năm mới sẵn sàng vượt thử thách, đột phá để làm nên tính bất ngờ, bước ngoặt xứng đáng với kỳ vọng.