Phê duyệt danh mục 43 sách giáo khoa lớp 3

NDO -

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh tư liệu)
Nhà xuất bản giới thiệu sách giáo khoa biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. (Ảnh tư liệu)

Theo quyết định, danh mục sách giáo khoa lớp 3 được phê duyệt lần này gồm 43 sách của 11 môn học và hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Tiếng Anh được phê duyệt nhiều nhất gồm 10 sách; môn Toán, Tin học và Mỹ thuật, mỗi môn 4 sách; môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm, mỗi môn và hoạt động có 3 sách.

Số sách giáo khoa được phê duyệt của 4 nhà xuất bản gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam; Nhà xuất bản Đại học sư phạm; Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh. Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam có 23 sách; Nhà xuất bản Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh có 10 sách; Nhà xuất bản Đại học sư phạm có 8 sách; Nhà xuất bản Đại học Vinh có 2 sách. 

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2021, Bộ đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 và triển khai các bước thẩm định sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10; biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc; hướng dẫn các địa phương chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch dạy học các môn học đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung đáp ứng yêu cầu cần đạt.

Tuy nhiên, sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương (phương ngữ); một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh. Đáng chú ý, chương trình, sách giáo khoa mới còn nặng so với chương trình 2006. Nguyên nhân là do công tác tổ chức thẩm định có lúc chưa thật chặt chẽ, còn nặng tính khoa học, thiếu tính thực tiễn nên khi đưa vào sử dụng còn có ý kiến trái chiều về một số nội dung trong sách giáo khoa.

Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 cũng như sách giáo khoa tiếng dân tộc và tài liệu giáo dục địa phương. Thực hiện điều chỉnh quy trình thẩm định nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa trong thời gian tới. Ngành giáo dục cũng tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là chuẩn bị đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...