Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn

NDO - Trong thời gian qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở khu vực nông thôn và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng cao thì xu hướng người tiêu dùng quay trở lại sử dụng các sản phẩm truyền thống vừa có tính trưng bày, trang trí, vừa có tính sử dụng thân thiện với môi trường ngày càng tăng…
0:00 / 0:00
0:00
Làng nghề, ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho người dân xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).
Làng nghề, ngành nghề nông thôn tạo việc làm cho người dân xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Sáng 30/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn”. Tham dự có đại diện các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương…

Hiện nay, cả nước có khoảng 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận (bao gồm 1.356 làng nghề và 652 làng nghề truyền thống).

Doanh thu của các làng nghề là 75.720 tỷ đồng (tăng 17.332 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm cho khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/ người/ năm.

Bên cạnh đó, ngành nghề nông thôn cũng có 808.201 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giảm 4.705 cơ sở so với năm 2020; doanh thu khoảng 202.391 tỷ đồng, giảm 11.624 tỷ đồng so với năm 2020; tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động, tăng 1,45 triệu lao động so năm 2020 với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/ người/ năm. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu ý kiến tại hội nghị

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, việc sử dụng nguyên liệu ngày càng đa dạng và kết hợp nhiều chủng loại trong một sản phẩm đã hình thành sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các đơn vị cung ứng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất của làng nghề. Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu tập trung thiếu quy hoạch, bị thu hẹp do phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác và chịu áp lực về đất đai của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Hiện cả nước khoảng 600 làng nghề đan lát, với các nguyên liệu sản xuất chủ yếu là tre, song, mây, cói...

Nguyên liệu họ tre có khoảng 1,5 triệu ha; tổng dữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây, bình quân khai thác từ 500 đến 600 triệu cây/năm với sản lượng đạt khoảng 2,5-3 triệu tấn; trong khi nhu cầu tiêu thụ từ 900 đến 1000 triệu cây/năm. Do đó, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào và Camphuchia.

Nguyên liệu song, mây có diện tích xen lẫn gỗ là khoảng 382.000ha, sản lượng khoảng 30.000-40.000 tấn/năm. Nhu cầu sử dụng song mây hằng năm của nước ta vào khoảng 80.000 tấn. Nguyên liệu cói có tổng diện tích cói khoảng 13.800ha, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 100.000 tấn.

Khoảng 60% sản lượng cói nguyên liệu dùng để xuất khẩu và 40% dùng để sản xuất trong nước…

Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn ảnh 2

Dệt cói tại xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương

Bên cạnh đó, cả nước cũng có khoảng 118 làng nghề và 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản.

Trong năm 2022, tổng diện tích rừng trồng là khoảng 4,57/14,74 triệu ha đất rừng. Nhu cầu chế biến gỗ từ 34,2 đến 41 triệu m3/năm, trong khi sản lượng gỗ khai thác là mới chỉ đạt 18,6 triệu m3 và hàng năm phải nhập khẩu gỗ tròn vào khoảng 5 - 6 triệu m3/năm(từ Lào, Nam Phi, Nga...).

Mặt hàng gốm sứ cũng là thế mạnh của chúng ta, cả nước có 37 làng nghề gốm sứ với nhu cầu sử dụng nguyên liệu khoảng 1.920.000 tấn mỗi năm, riêng Hà Nội có nhu cầu là khoảng 600.000 tấn/năm.

Phát triển vùng nguyên liệu cho làng nghề, ngành nghề nông thôn ảnh 3

Đào tạo cho lao động nông thôn tại làng gốm sứ Bát Tràng, thành phố Hà Nội

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, việc các địa phương chưa có các quy hoạch hay chương trình phát triển lâu dài để phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn phục vụ cho doanh nghiệp, làng nghề, ngành nghề nông thôn sản xuất, kinh doanh; nhiều loại giống cây trồng đang bị thoái hóa giống; công nghệ sơ chế, chế biến nguyên liệu còn lạc hậu dẫn đến sản phẩm không đồng nhất về chất lượng, khó cạnh tranh nhất là ở thị trường ngoài nước… là những nguyên nhân khiến các làng nghề, ngành nghề nông thôn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, hiện nay các vùng nguyên liệu khai thác tự nhiên ngày càng cạn kiệt và khó khai thác do không có kế hoạch và chịu áp lực từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Ngoài ra, các địa phương chưa dành quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu, khoa học công nghệ phục vụ sản xuất còn hạn chế, chưa có sự liên kết với chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Thứ trưởng đề xuất các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm định hướng phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhà máy sơ chế, chế biến nên tập trung vào công tác nghiên cứu giống, tổ chức lại sản xuất, liên kết với doanh nghiệp, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ…