Làng nghề đổi mới, tăng giá trị hàng hóa

Hà Nội có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề tạo ra giá trị hàng hóa cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, việc đứng trước áp lực cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, giá thành sản phẩm đang đòi hỏi các làng nghề phải thúc đẩy quá trình đổi mới, áp dụng công nghệ vào thiết kế, sản xuất và quảng bá sản phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng.
Khách du lịch trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng.

Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số làng nghề của cả nước). Trong đó có hơn 60% số làng nghề thủ công mỹ nghệ là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, với hàng chục làng nghề có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như: Làng gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), làng cơ kim khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hay các làng nghề dệt kim ở xã La Phù (huyện Hoài Đức)…

Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động ở các làng nghề hạn chế, khiến giá thành sản phẩm thiếu cạnh tranh so với sản phẩm tương đương của nước ngoài; thiết kế mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) Nguyễn Trung Thành cho biết: “Việc nghiên cứu sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch còn yếu và thiếu. Thời gian qua, thành phố Hà Nội, các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm, nhưng những sản phẩm ưu việt phục vụ du lịch còn rất ít”.

Nhận thức được những hạn chế này, một số làng nghề hiện đang “chuyển mình”. Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) vốn nổi tiếng với nghề hương. Trước đây, tất cả các công đoạn đều phải làm bằng tay nhưng hiện nay, các khâu như pha chế nguyên liệu vót tăm tre, se hương… đều được ứng dụng máy móc bán tự động. Đặc biệt, gần đây, làng nghề sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu, đó là lò sấy nguyên liệu công nghệ cao bằng hơi nước.

Công nghệ lò sấy hơi nước giúp tăng hiệu quả kinh tế, vừa cho tăm hương có hình thức đẹp, chất lượng tốt hơn sấy trong lò đốt. Công nghệ này được đưa vào áp dụng giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu đốt lò, giảm ô nhiễm môi trường. Tương tự, nghề rèn ở Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) hiện nay cũng áp dụng nhiều loại máy như máy tạo phôi, máy mài, máy dập… trong sản xuất. Làng nghề sơn mài Hạ Thái vốn dựa vào sự khéo léo của bàn tay người thợ là chính, nhưng hiện nay, hầu hết các hộ gia đình sử dụng máy móc tạo “vóc” (cốt của sản phẩm trước khi ứng dụng các công đoạn khác để sơn và mài) giúp giảm công sức lao động.

Đối với khâu thiết kế sản phẩm, các sản phẩm tại các làng nghề thủ công vẫn còn thiếu sự đầu tư sáng tạo, thiếu hạ tầng cho thiết kế. Việc sao chép các mẫu mã tại làng nghề còn phổ biến. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết: “Hạ tầng cho thiết kế chính là một trung tâm thiết kế chuyên nghiệp, nơi có thể phát huy và khơi dậy tinh thần sáng tạo của nghệ nhân và các thế hệ nối nghề. Một hạ tầng thiết kế là điều không thể thiếu để phát triển làng nghề. Hạ tầng thiết kế phục vụ cho việc trưng bày những tác phẩm sáng tạo độc đáo của các làng nghề, hỗ trợ thực hiện những ý tưởng sáng tạo. Một trung tâm như vậy sẽ còn là một điểm du lịch hấp dẫn”.

Chuyển đổi số đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội và các làng nghề cũng không thể đứng ngoài xu thế đó. Nhiều làng nghề bước đầu ứng dụng chuyển đổi số trong thiết kế, quảng bá sản phẩm, phục vụ du lịch, nhất là nhóm làng nghề mỹ nghệ như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Song, đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, hàm lượng chất xám cao. Nhiều làng nghề nhận thức được lợi thế của chuyển đổi số, nhưng lực bất tòng tâm. Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, bên cạnh vai trò bà đỡ của Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, bản thân các làng nghề, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làng nghề cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ.

Để các làng nghề có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Để nâng cấp được sản phẩm làng nghề, cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong hoạt động sản xuất. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông, lâm sản, hàng thủ công mỹ nghệ.