Giữ tiếng làng nghề truyền thống

Câu chuyện phục hồi và kết nối các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam đã có những bước đi mới. Trong khó khăn, người thợ lành nghề đã đào tạo được lớp thế hệ kế cận.
0:00 / 0:00
0:00
Thợ điêu khắc chữ Lê Thường.
Thợ điêu khắc chữ Lê Thường.

Chỉ bán sản phẩm thì chưa đủ

Làng nghề mộc Đông Khương, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn có một thời rất phát triển. Trải qua chiến tranh, lớp con cháu dần quên đi cái nghề đục, gõ này. Đa số lớp trẻ đều lựa chọn công việc khác để làm ăn. Tiếng đục, cưa trên tấm gỗ dần vắng bóng.

Chứng kiến thực tế đó, nhiều năm qua, Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp, 70 tuổi, người đã dành cả đời bên cái cưa, mũi đục tìm cách vực dậy tên tuổi nghề mộc ở làng mình. Từ năm 2001, với chương trình phục hồi các làng nghề truyền thống được địa phương triển khai, ông Tiếp là một trong những cá nhân tiếp cận với chương trình sớm nhất. “Trong thời buổi cạnh tranh hiện nay, khi đặt cạnh nhau hai sản phẩm gỗ với một bên do máy làm tự động và một do thợ thủ công tiện, bào thì chắc chắn sản phẩm do máy làm sẽ có giá rẻ hơn. Mỗi người thợ đều phải giữ được bản sắc riêng cho sản phẩm của mình”, nghệ nhân Tiếp cho biết.

Bằng lòng trân quý nghề cha ông để lại cùng đôi tay khéo léo, đã có nhiều lớp dạy nghề mộc do ông trực tiếp hướng dẫn. Đến nay, hàng trăm thợ lành nghề đã về nhiều địa phương mở xưởng. Điều mà ông Tiếp tự hào nhất là các học viên đã thành công, tạo được sản phẩm theo đúng truyền thống làng mộc Đông Khương. Còn lại 15 anh em có tay nghề vững, là người trong làng nên đều tập trung tại cơ sở của ông Tiếp làm việc.

Đã có sự kế thừa

Là Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp cho rằng trong Hiệp hội, vấn đề tìm kiếm và truyền nghề cho thế hệ trẻ luôn được quan tâm, đầu tư qua các năm. Đối với tỉnh Quảng Nam, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang phát triển như nghề mộc mỹ nghệ Đông Khương, nghề đúc đồng Phước Kiều, nghề gốm Thanh Hà. Song song với đó, ở một vài nơi vẫn có tình trạng các nghề bị biến mất, không còn ai nhớ tên như nghề rèn làng Gia Cát (xã Quế Phong, huyện Quế Sơn) hay gốm Lò Nồi (xã Quế An, Quế Sơn). Việc dần mất đi những tên tuổi, con người có tay nghề vững là tổn thất rất lớn cho địa phương, đặc biệt trong việc lưu giữ nét văn hóa vùng miền.

Trong vai trò Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam, ông Tiếp phân tích, một nghề có tính lưu truyền văn hóa chỉ tồn tại khi mọi công đoạn làm nghề là truyền thống. Việc liên kết các hoạt động du lịch, đón khách quốc tế đến trực tiếp cảm nhận nét đẹp sản phẩm truyền thống cần được nhân rộng.

Ông Lê Thường, 55 tuổi, thợ điêu khắc chữ đã gắn bó hơn 15 năm tại xưởng của ông Tiếp. Những năm gần đây ông Thường nhận công việc điêu khắc chữ trên các bảng quảng cáo, các câu chữ trang trí trong nhà. Ngồi khắc tấm bảng dài hơn 1m, ông Thường cho biết công việc này cần sự tập trung, điều khiển mũi đục đi đều tay. Điều này chính là bài học đầu tiên khi một người thợ lần đầu tiếp xúc với nghề mộc mỹ nghệ.

Ba người con trai của nghệ nhân Tiếp là các anh Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Ân và Nguyễn Văn Ái sau khi học đại học đều trở về quê tiếp nối nghề mộc, thuận tiện cho việc lưu truyền chuyên sâu hơn. Hiện nay, một trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề tại Hội An đang được nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp triển khai. Đây là nơi mang tính liên kết, tập trung tất cả những giá trị lịch sử, con người, hình ảnh chi tiết các công đoạn chế tác của từng nghề thủ công trên địa bàn toàn tỉnh, hướng đến tương lai là một nơi lưu trữ lâu dài.

Giá thành của sản phẩm khi bán ra thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người thợ. Việc cân đối giữa giá trị sản phẩm với giá ngày công lao động là bài toán mà những thế hệ làm nghề lâu năm luôn trăn trở. Đồng thời, sự phát triển nhiều thiết bị hỗ trợ trong việc chế tác, gia công đồ gỗ vừa là lợi ích nhưng cũng là một rào cản cho nghề mộc truyền thống.