Phát triển sản xuất nông nghiệp đại điền ở Thái Bình

Xuất phát từ việc ruộng bỏ hoang, không canh tác tại các địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn thu gom thành những diện tích lớn liền thửa, liền vùng để đầu tư khoa học kỹ thuật, kết hợp cơ giới trên đồng ruộng tiến hành gieo cấy các giống lúa có chất lượng cao, gạo ngon bán ra thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Trần Thị Lanh ở xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) thuê, mượn khoảng 100 ha ruộng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Chị Trần Thị Lanh ở xã Bình Minh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) thuê, mượn khoảng 100 ha ruộng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Những đại điền đang hình thành ở tỉnh Thái Bình bước đầu khẳng định một xu thế mới trong sản xuất nông nghiệp và cần được tạo thêm nhiều điều kiện để phát triển sâu rộng hơn.

Trong nhiều năm qua, Thái Bình là địa phương có trình độ thâm canh lúa trong tốp đầu cả nước. Ngoài giữ vững sản lượng lúa gạo khoảng 1 triệu tấn/năm, địa phương đang tập trung nâng cao chất lượng.

Việc hình thành các đại điền trong khoảng bảy năm gần đây đã tạo ra lớp nông dân mới để đưa máy móc, khoa học kỹ thuật vào thực hiện chủ trương này.

Hiện thực hóa giấc mơ làm giàu trên đất

Ở Thái Bình, chị Trần Thị Lanh (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) hiện đang thuê, mượn đất của hàng trăm hộ dân và trở thành người có nhiều đất nhất tỉnh. Trước đây, chị chỉ có 3 sào nhưng nhờ vào việc thu gom từng mảnh ruộng của những hộ không canh tác nên hiện tại, chị đã có khoảng 100 ha.

Chị cho biết, năm nào ít thì chị lãi 700 triệu-800 triệu đồng, có năm lãi cả tỷ đồng nhưng với điều kiện phải đưa máy móc vào và làm trên diện tích lớn. Tháng 5/2022, chị Lanh thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh nông sản Quang Lanh với số vốn đăng ký ban đầu khoảng 1,4 tỷ đồng.

Chị đầu tư đồng bộ nhiều máy móc hiện đại từ khâu làm đất, cấy, thu hoạch, sấy và kho bảo quản để khép kín quy trình cấy lúa chuyên nghiệp ấp ủ bấy lâu nay. Là hộ đại điền, vào vụ sản xuất, 100 ha cũng chỉ gói gọn trong 15 ngày là xong. Thế nhưng, để có những thửa ruộng lớn, đó là một hành trình cần rất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn.

Ở huyện Kiến Xương, ông Đỗ Văn Dân trú tại xã Vũ Quý cũng là một chủ đại điền có tiếng trong vùng. Đến nay, ông có khoảng 30 ha ruộng từ việc thuê mượn của hộ dân không có nhu cầu sản xuất để cấy lúa TBR225 và BC15 do Tập đoàn ThaiBinh Seed cung ứng.

Theo ông Dân, quy trình cấy một giống lúa trên diện tích lớn, kết hợp đưa khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào các khâu sản xuất đã khẳng định trồng lúa là có lãi.

Tính ra, cứ 1 sào lúa ông lãi 600 nghìn đồng. Và ông Dân đã đầu tư đầy đủ máy móc phục vụ sản xuất gồm: Máy làm đất, máy làm mạ, máy cấy, máy gặt, máy sấy và máy xát; đồng thời thuê 15 người làm theo thời vụ.

Hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ đại điền tỉnh Thái Bình, ông Dân cho biết thêm: Câu lạc bộ thành lập vào cuối năm 2017, có khoảng 400 thành viên tham gia hoạt động tự nguyện, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ.

Các đại điền đều là những người say mê làm nông nghiệp, có tư duy làm ăn lớn. Họ mượn, nhượng lại diện tích ruộng kém hiệu quả hoặc bỏ hoang của người dân để tổ chức đầu tư máy móc, kỹ thuật cải tạo đồng ruộng, thực hiện gieo cấy những giống lúa chất lượng cao, cho giá trị lớn.

Tích tụ ruộng đất-một xu thế tất yếu

Theo tổng hợp, tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 2.000 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, với tổng diện tích hơn 8.000 ha; bình quân 4,08 ha/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Qua rà soát, có 1.511 hộ tích tụ quy mô dưới 5 ha; 324 hộ tích tụ được từ 5 đến 10 ha và 133 hộ tích tụ được diện tích hơn 10 ha.

Phát triển sản xuất nông nghiệp đại điền ở Thái Bình ảnh 1

Nhiều chủ đại điền ở tỉnh Thái Bình đầu tư máy móc hiện đại sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Tại các huyện Kiến Xương, Quỳnh Phụ bắt đầu hình thành diện tích tích tụ quy mô lớn, đến hơn 100 ha. Huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Vũ Thư và Kiến Xương là những nơi có phong trào tích tụ đất khá sôi động, với hơn 1.000 ha/địa phương và liên kết, sinh hoạt cùng nhau thông qua Câu lạc bộ đại điền (tự thành lập).

Hình thức tích tụ đất đai chính hiện nay ở Thái Bình vẫn là thuê, mượn ruộng đất, do người dân tự thỏa thuận, với thời gian thuê mượn ngắn (dưới 5 năm), hoặc không giao hẹn thời gian rõ ràng và không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định.

Ngoài ra, còn có hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhưng chiếm số lượng không nhiều (khoảng gần 5%) trong tổng số diện tích đất tích tụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, việc tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất đã tạo hiệu quả rõ rệt về kinh tế, giảm chi phí đầu vào khoảng 2,6 triệu đồng/ha; đồng thời tạo thuận lợi để người dân đầu tư máy móc, trang thiết bị sản xuất nông nghiệp, thực hiện đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, bảo quản; bảo đảm sản lượng, tỷ lệ đồng đều về chất lượng, mẫu mã nông sản cao, thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết.

Ông Vũ Công Bình, Chi Cục trưởng Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Mô hình sản xuất đại điền là hướng đi tất yếu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Nắm bắt được điều này, ngay từ giai đoạn 2010-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ mua máy nông nghiệp cho nông dân.

Trong thời gian này, địa phương đã hỗ trợ khoảng 184 tỷ đồng cho người dân mua 1.482 máy gặt đập liên hợp; 630 máy làm đất; 1.650 công cụ gieo sạ; 40 máy cấy; 19 máy gặt rải hàng Việt Nam; 23 kho lạnh...

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thái Bình tiếp tục hỗ trợ nông dân hơn 30 tỷ đồng mua 146 máy cấy và 58 máy gặt đập liên hợp. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã hỗ trợ nông dân mua 661 máy cấy các loại và bốn lò sấy với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

Hiện nay, nhiều khâu trong sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình được trang bị cơ giới hóa đạt tỷ lệ gần 100% như: Khâu làm đất, tưới nước, tra hạt, xay xát, làm bún, bánh... Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ bình quân cơ giới hóa của các tỉnh trong khu vực và của cả nước.

Những rào cản cần tháo gỡ

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed chia sẻ: Hộ đại điền là những người yêu nông nghiệp và gắn bó với ruộng đồng. Họ là những người nông dân thực thụ.

Tuy nhiên nhiều người chưa có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Điều kiện cơ sở vật chất, vốn liếng còn khó khăn. Không phải cứ có đất nhiều là có thể làm giàu ngay được. Họ cần kinh nghiệm, cần sự giúp đỡ của mọi người và Nhà nước.

Đây cũng là yêu cầu của sự phát triển và cũng xuất phát từ thực tiễn đòi hỏi cần được tổ chức chặt chẽ nhằm giúp lớp nông dân mới này phát triển lành mạnh và bền vững.

Qua theo dõi, tại một số địa phương ở Thái Bình, việc phát triển mô hình kinh tế đại điền còn gặp rất nhiều khó khăn. Do ruộng đất manh mún, nên để tích tụ được diện tích đủ lớn phải ký hợp đồng với rất nhiều hộ gia đình, trong khi đó, vẫn còn hiện tượng phá vỡ hợp đồng thuê, mượn ruộng.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã, các doanh nghiệp thiếu sự liên kết với các hộ nông dân một cách bền vững để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, các chuỗi sản xuất-chuỗi giá trị bền vững để thúc đẩy hiệu quả mô hình đại điền.

Tại một số địa phương, các hộ sản xuất trồng trọt quy mô lớn (đại điền) về cơ bản vẫn thiếu kiến thức tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bảo đảm an toàn, về sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm,...

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết: Thực tế ở địa phương, các hộ đại điền muốn tích tụ ruộng đất để làm ăn quy mô lớn đang gặp phải nhiều khó khăn, cụ thể là quy định pháp luật đất đai về trình tự, thủ tục cho thuê đất, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn vướng mắc, rất khó thực hiện.

Mặt khác, người dân vẫn còn tâm lý giữ đất, giữ ruộng, đặc biệt thời gian gần đây giá thóc, gạo liên tục tăng cao làm cho tâm lý người dân càng muốn giữ ruộng, giữ đất cấy để lấy thóc dùng.

Một số người mặc dù đã có việc làm ổn định từ các lĩnh vực khác, không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp và thậm chí có người sẵn sàng bỏ ruộng hoang nhưng cũng không muốn chuyển nhượng, cho người khác thuê lại đất để sản xuất.

Chia sẻ với các chủ đại điền, trong năm 2023, hai doanh nghiệp lớn trong sản xuất giống và thu mua lúa gạo là Tập đoàn ThaiBinh Seed và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Cúc đã có buổi trao đổi, gặp gỡ, ký hợp tác sản xuất với Câu lạc bộ đại điền tỉnh Thái Bình.

Đây là sự hợp tác rất cần thiết để tạo ra chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp, từ nghiên cứu đến sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm đến khách hàng, từ đó đem đến hiệu quả cho các đơn vị tham gia vào “chuỗi” và nâng cao đời sống cho các đại điền.

Tham dự buổi kết nối doanh nghiệp và các chủ đại điền lần đầu được tổ chức, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho hay: Trong vài năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển mới theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế hiện nay.

Các chủ đại điền chính là lớp nông dân mới góp phần phát triển ngành nông nghiệp địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với hoạt động chế biến và bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Qua theo dõi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng đại điền trên địa bàn tỉnh tăng lên rất nhanh trong thời gian qua.

Tháng 10/2022 có khoảng 1.700 đại điền; trong năm 2023 tăng lên khoảng 2.000 đại điền và hiện nay số đại điền đang tiếp tục lớn mạnh.

Về phía ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình khẳng định: Tỉnh rất quan tâm đến sự phát triển của lớp người nông dân mới, do đó Câu lạc bộ đại điền cần phải chuyển đổi ngay thành hợp tác xã để được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh.