Sau 4 năm thực hiện, toàn tỉnh Bắc Ninh có 146 sản phẩm của 60 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP, đã công nhận 75 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, các sản phẩm đạt 4 sao chiếm 69,3%.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại, sau một thời gian vất vả mưu sinh ở thành phố, năm 2015, chị Vũ Thị Thu (sinh năm 1991), ở xã Thái Bảo, huyện Gia Bình đã quyết định trở về quê để khởi nghiệp. Thu chia sẻ: “Nhận thấy nhu cầu của thị trường về các sản phẩm an toàn, hữu cơ ngày càng lớn, sau khi cân nhắc, tôi đã quyết định sử dụng quả bồ kết tạo ra các sản phẩm dầu gội đầu. Trải qua quá trình nghiên cứu tìm tòi, một thời gian sau chúng tôi đã chiết xuất thành công nước gội đầu từ bồ kết và may mắn được thị trường đón nhận. Sản phẩm bán chạy nguồn thu tăng, để đa dạng hóa sản phẩm, tôi đã mở rộng vùng nguyên liệu trồng các loại cây thảo dược, như: hương nhu trắng, hương nhu tía, hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới. Đồng thời, vay vốn mở xưởng sản xuất với diện tích gần 200m² và trang bị đầy đủ các loại máy móc như máy dập, máy sao, máy nghiền, kho lạnh, nồi chiết xuất, nồi cô đặc”.
Năm 2021, 8 sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Việt Kết do Thu làm chủ, như: Dầu gội bồ kết-hà thủ ô; Cao bồ kết; Hydrosol vỏ bưởi; Thảo dược mềm tóc; Nước cất lá trầu không… đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh. Cũng trong giai đoạn này, dịch Covid-19 ở Bắc Ninh và các địa phương diễn biến phức tạp, việc mua, bán hàng hóa trực tiếp bị hạn chế rất nhiều.
Thu chia sẻ: “Nếu chỉ bán hàng theo kênh truyền thống thì lượng hàng tiêu thụ sẽ không được nhiều và không quảng bá được sản phẩm. Trước tình hình trên, chúng tôi đẩy mạnh bán hàng trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo cũng như trên các trang thương mại điện tử lớn, như: Lazada, Shopee, Tiki… Nhờ vậy, phần lớn sản phẩm của công ty đã được tiêu thụ, mang lại nguồn thu ổn định. Đến thời điểm hiện tại, đây vẫn đang là kênh phân phối sản phẩm lớn của công ty”.
Thời gian vừa qua, rất nhiều sản phẩm OCOP của Bắc Ninh đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, thu hút một lượng khách hàng nhất định. Khách hàng lựa chọn và đặt mua nhiều các sản OCOP của Bắc Ninh, như: sản phẩm bún, bánh Khương Huy; các sản phẩm thảo dược của công ty Việt Kết; tảo SpiruLina khô của Công ty cổ phần công nghệ sinh học Bảo Khang…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung cho biết, để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, Bắc Ninh đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình triển khai chương trình. Trong đó, hiệu quả nhất chính là khâu đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử. Đa số các chủ thể OCOP ở Bắc Ninh hiện nay rất năng động, họ tìm hiểu, nghiên cứu rất nhanh và tích cực tham gia nhiều kênh tiêu thụ khác nhau từ hệ thống siêu thị, điểm bán hàng của tỉnh đến các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, từ đó mở ra một kênh tiêu thụ hàng hóa lớn, bảo đảm vấn đề đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm.
Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và các tổ chức sản xuất
Để tạo động lực phát triển sản phẩm OCOP, Bắc Ninh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Trong đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ 50% chi phí mua vật tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính và các thiết bị tự động hóa quá trình sản xuất; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm và bảo vệ môi trường có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy móc, thiết bị hoặc 50% kinh phí cho các máy móc, thiết bị có giá trị dưới 50 triệu đồng… Nhờ vậy, các sản phẩm tham gia Chương trình sản phẩm OCOP của tỉnh không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp về quy mô, chất lượng, mở rộng thị trường, phát triển hệ thống mạng lưới tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập của các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Trần Trung cho biết, nhằm phát huy cao hơn nữa hiệu quả, đồng thời nâng cao giá trị và phát triển bền vững sản phẩm OCOP, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phối hợp, trong đó vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các tổ chức sản xuất được xem là giải pháp trọng tâm.
Theo đó, trên cơ sở các quy hoạch chung tỉnh Bắc Ninh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh và các huyện giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cường liên kết vùng, tích tụ ruộng đất mở rộng diện tích các vùng nguyên liệu sản xuất sản phẩm theo lợi thế, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của từng điạ phương. Trọng tâm là các vùng, như: khoai tây Quế Võ; cà-rốt Gia Bình, Lương Tài; vùng trồng chuối Hán Quảng, Cảnh Hưng; vùng cây dược liệu tại Gia Bình, Lương Tài.
Cùng với đó, triển khai các vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng an toàn sinh học, sản xuất hữu cơ. Từ đó mời gọi, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm OCOP để xây dựng các chuỗi giá trị trong nông nghiệp; tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, đơn vị chuyển đổi loại hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP từ cá nhân, gia đình, tổ hợp tác, sang thành lập doanh nghiệp, HTX; tổ chức, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản, sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn.
Theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bắc Ninh dành nguồn kinh phí khoảng 55 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình khi có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu; phấn đấu được công nhận ít nhất 200 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, có từ 2 sản phẩm trở lên đạt 5 sao; có 20% chủ thể OCOP trở lên là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; ít nhất có 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử).