Xã Đắc Sở là một điển hình xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Hoài Đức. Đến nay, toàn bộ tuyến đường thôn xóm, liên xã đều được đổ bê-tông rộng và đẹp. Hai bên đường là những dãy nhà cao tầng kiên cố, vườn cây ăn trái xum xuê. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, những phòng học sạch đẹp, đầy đủ cơ sở vật chất.
Nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác
Cây phật thủ chỉ mới “bén rễ” trên đất xã Đắc Sở trong khoảng gần 20 năm trở lại đây, nhưng đã đưa Đắc Sở trở thành làng chuyên canh loại quả này lớn nhất miền bắc.
Chúng tôi đến vườn của anh Tạ Văn Tâm ở thôn Đông Hạ, một trong 10 hộ trồng phật thủ thành công nhất tại xã Đắc Sở. Anh Tâm cho biết, trong vườn của anh có khoảng 20 quả đẹp nhất, đã được người mua đến tận vườn chọn và đặt tiền trước với giá từ 1,5 đến 3 triệu đồng/quả, đợi đến Tết Nguyên đán sẽ đến trảy về. Bình quân mỗi năm, với 1 ha trồng phật thủ, anh Tâm thu được 500 triệu đồng, cộng với 300 triệu đồng doanh số thu mua phật thủ từ các vườn nhà khác trong xóm đem bán, tổng cộng được 800 triệu đồng. Trừ chi phí thuê đất, phân bón, làm giàn, thuốc trừ sâu, nhân công… anh có lãi khoảng 400 triệu đồng. Đến nay, xã Đắc Sở có hơn 500 hộ trồng phật thủ trên diện tích hơn 75 ha. Hộ trồng ít nhất cũng 1 sào, hộ nhiều nhất tới 5 mẫu, thu nhập hằng năm đạt 500 triệu đồng/ha, cao gấp hàng trăm lần cấy lúa. Cả xã hiện có hàng chục hộ gia đình thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm từ trồng loại quả này, hơn 10 hộ có thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Trường, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, dù sắp “lên quận”, nhưng Hoài Đức vẫn coi trọng phát triển nông nghiệp bền vững. Xác định ngay cả khi lên quận, nông nghiệp vẫn là sinh kế của một bộ phận nhân dân nên huyện chú trọng xây dựng các sản phẩm, thương hiệu nông nghiệp chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị canh tác. Đến nay, huyện đã triển khai được hàng trăm héc-ta trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã: Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở... Nổi bật trong số đó là các loại cây ăn quả có múi cho thu nhập cao.
Tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay, trong quý III năm 2021, dịch Covid-19 đã tác động đến việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Đến nay, Hà Nội đã có 141 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động hoàn toàn từ khâu sản xuất giống, vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu mạnh trên thị trường...
Tính đến thời điểm này, Hà Nội có 13/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021; các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022. Trong quý III năm 2021, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới toàn thành phố đạt gần 15,5 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố là 8.453 tỷ đồng (chiếm 54,5%); ngân sách huyện là 6.020 tỷ đồng (chiếm 38,9%); ngân sách xã là 445 tỷ đồng (2,9%); vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 574 tỷ đồng (chiếm 3,7%).
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, trong quý III, để phòng, chống dịch Covid-19, thành phố phải giãn cách xã hội trong gần hai tháng, song sản xuất nông nghiệp và chuỗi cung ứng của thành phố không bị đứt gãy, bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân, qua đó góp phần ổn định kinh tế-xã hội của thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các huyện tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đổi mới phương thức sản xuất, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, quy mô hộ gia đình; đồng thời, nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2021... n